Về nội dung này trong tờ trình, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Ủy ban TVQH: những sửa đổi, bổ sung các quy định về tiền lương (Chương VI của Bộ luật) dựa trên các nguyên tắc, như Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động; bình đẳng về tiền lương giữa các loại hình DN. Đồng thời, thiết lập cơ chế bảo vệ người lao động thông qua các quy định chặt chẽ về cơ chế trả lương cho người lao động.
Trong báo cáo thẩm tra trình tại phiên họp, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị “phải bổ sung thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định cơ cấu cụ thể của tiền lương, quy định căn cứ để trả lương nhằm bảo vệ người lao động và làm rõ phạm vi tham gia của Nhà nước đối với vấn đề tiền lương”.
Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên, cần phải hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý.
Lo ngại quy định lương tối thiểu bị lợi dụng
Bộ Luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 273 điều (trong đó giữ nguyên 52 điều, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 64 điều), quy định về các nội dung như việc làm, hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, quy định riêng đối với lao động nữ, giải quyết tranh chấp lao động… Theo quy định của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Mức lương tối thiểu được xác định, căn cứ vào nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, vào điều kiện kinh tế xã hội, mức tiền công trên thị trường lao động và được Chính phủ xác định theo từng thời kỳ. |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng dẫn chứng: vừa rồi đi giám sát tối cao tại một số DN, tổ chức phát hiện các DN nước ngoài họ lợi dụng quy định mức lương tối thiểu để trả lương cho người lao động thấp hơn hẳn mức lương các DN trong nước trả. Công nhân lao động ở các nhà máy xi măng Việt Nam lương khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng nhưng công nhân làm cho DN nước ngoài ở ngay cạnh chỉ được trả trên dưới 2 triệu đồng/tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, nếu chỉ lấy quy định tiền lương tối thiểu theo vùng chưa chắc đã giải quyết được những bức xúc của người lao động thời gian qua (dẫn tới các cuộc đình công - PV) và sẽ tiếp tục khó khăn cho người lao động.
Ông Khoa đề nghị vấn đề tiền công, tiền lương trong Bộ luật Lao động sửa đổi phải đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết của Đảng đã xác định, đó là phải coi tiền lương, tiền công là giá trị sức lao động, hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, phải có quy định khác về tiền lương ở các loại hình DN, các loại hình kinh tế ngoài quy định chung về mức lương tối thiểu theo vùng, ngành mới giải quyết được vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay.
Ngoài vấn đề tiền lương, qua thảo luận, TVQH nhất trí với các nội dung để trình ra QH xem xét như chế độ nghỉ thai sản sẽ áp dụng chung với thời gian tối đa 6 tháng, tối thiểu 4 tháng, tùy theo nhu cầu thực tế để linh hoạt theo nguyện vọng của người lao động; cho phép kéo dài thời gian làm thêm từ tối đa 200 giờ/năm như hiện hành (một số nhóm ngành tối đa 300 giờ/năm) lên 360 giờ/năm có phân biệt tiền công làm thêm ngày nghỉ và ngày thường, ban ngày và ban đêm…
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được hoàn chỉnh, trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới.
Bảo Cầm
Bình luận (0)