Theo ông Dương Quang Châu - Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII - đơn vị thu phí), từ đầu tháng 9 tới, trạm thu phí XLHN được di dời từ vị trí hiện hữu đến gần ngã ba Tây Hòa (nằm đoạn giữa cầu Rạch Chiếc và ngã 4 Bình Thái). Việc thu phí cũng sẽ kéo dài thêm 12 năm (thay vì kết thúc cuối năm 2012) để hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc mới do CII ứng vốn 1.000 tỉ đồng xây dựng.
Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, trạm thu phí XLHN hiện hữu hoạt động từ năm 2001, nhằm thu hồi vốn cho dự án mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh và Điện Biên Phủ. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đặc biệt là cầu Văn Thánh 2, liên tục xuống cấp, lún sụt, ngập nước, gây khó khăn cho việc lưu thông; còn đường Điện Biên Phủ cũng không phát huy được tác dụng giải tỏa giao thông. Theo ông Trung, suốt gần chục năm qua, người dân và doanh nghiệp vận tải đã bị áp đặt mua phí giao thông cho sản phẩm không hoàn chỉnh.
Trong khi đó, CII là đơn vị thu phí nhưng lại không có trách nhiệm rõ ràng đối với chất lượng sản phẩm cầu đường mà mình bán phí. "Cụ thể nhất là công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh và hạng mục cầu Văn Thánh 2 hư hỏng liên tục nhưng kinh phí sửa chữa lại lấy từ ngân sách TP.HCM, trong khi tiền thu phí chảy vào túi CII. Chúng tôi kiến nghị phải phân định rõ trách nhiệm của đơn vị thu phí đối với chất lượng công trình cầu đường trong quá trình thu phí, tránh tình trạng phí cứ thu, đường xuống cấp thì cứ mặc như hiện nay" - ông Trung nói.
Phí chồng phí
Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc kéo dài thời gian thu phí tại trạm XLHN sẽ gây tình trạng "phí chồng phí" trong tương lai, bởi trên XLHN đang và sẽ có hàng loạt công trình cầu đường được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, dự án cầu Sài Gòn 2 (vốn đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng), do Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư, đang rối về phương án đặt trạm thu phí. Bởi công trình này chỉ cách vị trí xây cầu Rạch Chiếc mới chừng 3 km, nếu đặt trạm thu phí riêng thì không phù hợp với quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí trên cùng một trục, tuyến đường (cách nhau ít nhất 50 - 70 km). Còn nếu thu phí chung thì hoặc phải tăng mức phí, hoặc kéo dài thời gian thu phí, hơn nữa cũng khó thỏa thuận tỷ lệ ăn chia giữa hai đơn vị.
Ngoài ra, các công trình hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu Đồng Nai 2... sắp tới đều thu phí sẽ gây khó khăn cho phương tiện ra vào trục cửa ngõ phía đông TP.HCM.
Phương Thanh
Bình luận (0)