Trắc nghiệm khách quan - giải pháp đơn giản chống gian lận thi cử

19/07/2006 11:13 GMT+7

Sau vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo những tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tây, người ta đang bàn nhiều về việc làm thế nào để chống gian lận thi cử một cách hiệu quả nhất. Nhưng hầu như chưa ai bàn xem có cách nào làm cho tiêu cực trong thi cử không có đất sống, hoặc chí ít thì cũng khó sống. Câu trả lời đã được nhiều người đưa ra từ lâu, chẳng qua là chưa ai thực hiện đấy thôi!

Tiêu cực trong thi cử là gì? Là thí sinh mang vào phòng thi những thứ không được phép mang như sách vở, các loại “phao” thi, điện thoại di động v.v… Là giám thị cố tình lờ đi cho thí sinh sử dụng tài liệu hoặc quay cóp lẫn nhau. Là những người tổ chức cuộc thi cho mang bài giải sẵn vào cho thí sinh chép. Là lãnh đạo địa phương muốn có thành tích cao nên bật đèn xanh cho những hành động nói trên. Chuyện này tồn tại đã lâu, rất lâu, ở mọi lúc mọi nơi, ở mọi cấp học từ tiểu học cho đến đại học, cao học. Nhưng sở dĩ xảy ra như thế là vì người ta có điều kiện để làm thế, mà đi thi thì ai cũng muốn đỗ, ai cũng muốn đạt điểm cao. Nói về nguyên nhân, không hẳn chỉ là do căn bệnh thành tích, hay bệnh giả dối, vì đó mới chỉ là ở góc độ xã hội (nhà trường, địa phương), mà gốc rễ là do lòng tham của con người. Tham nghĩa là muốn có những thứ mà mình không đáng có, không do mình tạo ra, không xứng với năng lực của mình.

Hậu quả của gian lận thi cử là tạo ra một xã hội gồm những người có bằng cấp nhưng kiến thức không xứng với tấm bằng đó. Nói nôm na là bằng thật học giả. Ra nước ngoài thì không ai công nhận bằng cấp của ta. Muốn vào làm việc trong một doanh nghiệp nước ngoài thì phải Ľ 1ể người ta đào tạo lại. Dân trí xã hội thấp vì có những học sinh lớp 5 không biết chữ, rất nhiều sinh viên khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp chỉ biết lắc đầu hoặc trả lời không biết (nhưng vẫn được công nhận tốt nghiệp), rất nhiều cán bộ công chức không có kiến thức nhưng vẫn được cất nhắc lên chức chỉ vì họ kiếm được tấm bằng tốt nghiệp đại học tại chức, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ, một tiêu chuẩn mà nếu không đạt thì không được làm quan.

Có ý kiến cho rằng trong vụ gian lận thi cử vừa qua ở Hà Tây, các phụ huynh học sinh cũng là đồng tác giả, chỉ vì họ góp tiền cho Hội đồng thi để “bồi dưỡng” giám thị. Nhưng xin nói rằng việc đóng tiền không phải là việc làm tự phát của một số phụ huynh học sinh, bởi tại sao ai cũng đóng 150.000 đồng như nhau? Hay đó là một việc làm có tổ chức, hay ít ra cũng là do sự bật đèn xanh của lãnh đạo? Tóm lại là hiện nay người ta đang truy cứu trách nhiệm và tìm cách khắc phục những hậu quả do gian lận thi cử gây ra, chủ yếu là từ vụ Hà Tây, chứ chưa đặt vấn đề tìm một giải pháp triệt để phòng và chống gian lận thi cử, một căn bệnh cũng trầm kha chẳng kém gì tệ tham nhũng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng phòng bệnh phải có một giải pháp tổng thể và lâu dài. Trước mắt, trong khi chưa kịp vạch ra một chiến lược cải cách giáo dục toàn diện, nên đột phá vào một trong những khâu quan trọng nhất: cải cách thi cử.

Đối với các cuộc thi đại trà (trong phạm vi cả nước hoặc một địa phương) như thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh, cách tốt nhất là áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ). TNKQ rất dễ tổ chức, ít tốn kém, khách quan (đúng như tên gọi của nó), và quan trọng nhất là trong nó hầu như không có đất sống cho sự gian lận.

TNKQ thì không cần cấm thí sinh mang tài liệu vào phòng thi (chỉ cần cấm mang vũ khí, chất nổ), vì chỉ với khoảng một phút dành cho một câu hỏi trắc nghiệm thì không có thời gian cho việc mở tài liệu ra xem. Không cần cấm quay cóp, vì với các tờ giấy ghi đề thi đã được máy tính tráo thứ tự một cách ngẫu nhiên thì hầu như không thể quay cóp được. Có thể bố trí một phòng thi rất đông thí sinh nhưng lại chỉ cần một vài giám thị chỉ cốt để giữ trật tự và phát hiện việc thi thuê. Máy móc sẽ thực hiện việc chấm thi một cách cực kỳ nhanh chóng và vô tư, không ai có thể can thiệp được. Với 6 môn thi tốt nghiệp, chỉ cần tổ chức thi trong vòng một ngày, và với 3 môn thi tuyển sinh đại học chỉ cần một buổi, giảm được biết bao nhiêu chi phí cho dân nghèo.

Năm nay là năm đầu tiên áp dụng TNKQ đối với các môn Ngoại ngữ. Nhưng đáng lẽ phải áp dụng từ lâu rồi, và cho tất cả các môn. Cách đây vài chục năm, việc tổ chức thi lấy bằng lái xe, phần thi lý thuyết, đã dùng hình thức TNKQ. Tôi cho rằng nếu quyết tâm, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng năm 2007 có thể thi TNKQ 100%. Chắc nhiều người phản đối ý kiến này vì lý do không đủ thời gian và không đủ tiền chi phí cho việc ra đề thi, lập ngân hàng đề thi. Ấy là vì chưa ai tính thử xem cần bao nhiêu thời gian cho một ngân hàng khoảng 100-200 câu hỏi thi trắc nghiệm của mỗi môn và cần bao nhiêu tiền để chi cho chừng đó câu hỏi thi, nên tổ chức cho tổng số bao nhiêu môn thi v.v… Thời gian chỉ cần một năm là đủ, còn tiền thì dù có phải chi nhiều cho một lần thì những năm sau sẽ không phải chi nhiều nữa. Chắc chắn phương án này là kinh tế nhất. Tôi xin tạm tính: giả sử bước đầu cần một ngân hàng đề thi gồm 200 câu hỏi thi cho mỗi môn thi tốt nghiệp THPT, và giả sử phải chi nhiều nhất là một triệu đồng cho mỗi câu hỏi (bao gồm việc lập hội đồng gồm các chuyên gia biên soạn đề, tổ chức phản biện, lựa chọn và quyết định). Như vậy mỗi môn cần chi nhiều nhất 200 triệu đồng, và chỉ cần 1 tỉ 200 triệu đồng cho 6 môn thi tốt nghiệp THPT. Số tiền đó chắc chắn chỉ bằng một phần nhỏ so với đủ kiểu chi phi phí như hiện nay. Còn về người ra đề, tính cho cả nước mỗi môn có hàng ngàn giáo viên giảng dạy, trong số đó chỉ cần mời khoảng vài chục giáo viên giỏi ra đề là đủ. Giả sử mỗi môn cần 10 người, tổng số 200 câu hỏi thi cho mỗi môn, mỗi người 20 câu hỏi, tập trung làm thì công việc chỉ kéo dài không quá một tháng! Sau đó, hàng năm các câu hỏi thi còn được sửa đổi, thêm bớt đề hoàn chỉnh dần. Trong vòng 5 năm sẽ có một ngân hàng đề thi tốt, dùng được cho nhiều năm.

Mạnh dạn cải tiến thi cử, đó chính là một khâu đột phá, một cuộc cách mạng đầu tiên trong chiến lược cải cách giáo dục nói chung. Cần quyết tâm làm và làm ngay, không thể để 10 năm sau mới thấy giáo dục Việt Nam đổi khác.

Người dân có thể chưa hiểu về cách thi này vì nó quá mới lạ ở nước ta. Lãnh đạo các địa phương có thể không đồng tình vì họ mất cơ hội can thiệp vào quá trình thi và kết quả thi. Nhưng lãnh đạo ngành giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chẳng lẽ lại còn chần chừ?

PGS-TS Nguyễn Hữu Lân
(Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.