Trách nhiệm

01/03/2013 03:20 GMT+7

Theo giải thích của nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên thì việc“sổ đỏ” của vườn bị thất lạc cũng chẳng gây hậu quả gì. Bởi lẽ sổ đỏ này xác nhận quyền của một cơ quan nhà nước trên diện tích đất của vườn quốc gia nhưng không có các quyền thừa kế, thế chấp hoặc sang nhượng như sổ đỏ của cá nhân. Điều này chẳng sai. Nhưng câu chuyện này đáng bàn là... ở chỗ khác, là thái độ, trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ đối với tài sản công.

Theo giải thích của nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên thì việc “sổ đỏ” của vườn bị thất lạc cũng chẳng gây hậu quả gì. Bởi lẽ sổ đỏ này xác nhận quyền của một cơ quan nhà nước trên diện tích đất của vườn quốc gia nhưng không có các quyền thừa kế, thế chấp hoặc sang nhượng như sổ đỏ của cá nhân. Điều này chẳng sai. Nhưng câu chuyện này đáng bàn là... ở chỗ khác, là thái độ, trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ đối với tài sản công.

Điều 144 bộ luật Hình sự  - tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước quy định: Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước có thể bị xử lý nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến phạt tù nặng nhất tới 15 năm. Nhưng lâu nay chỉ có tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (điều 285) là được xem xét trong những vụ án tham nhũng lớn.

Từ chuyện bác sĩ thiếu trách nhiệm để bệnh nhân chết, đơn vị thi công “sơ ý” để công dân thiệt mạng do hố ga mất nắp, chuyện công chức bỏ nhiệm sở trong giờ làm việc, vô cảm trước bức xúc của người dân đến tham ô, tham nhũng trở thành vấn nạn... suy cho cùng đều nói lên thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “trách nhiệm” và “trách nhiệm người đứng đầu” được nhắc đến nhiều như bây giờ và nó thường gắn với những sai phạm ở khu vực công. Luật pháp không thiếu quy định để xác định trách nhiệm công vụ ở khu vực này. Nhưng việc xử lý kỷ luật về hành chính đối với người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm, tham nhũng trong đơn vị rất ít trong những vụ việc được phát hiện. Do đó trong thực tế đang dẫn đến hệ quả là người ta sẵn sàng chấp nhận và hành xử vô cảm trong nhiều vấn đề. Công chức thiếu trách nhiệm vì không bị giám sát và xem xét trách nhiệm, người dân vô cảm với vi phạm vì “có tố cáo cũng không có tác dụng gì”. 

Nếu ông cán bộ Vườn quốc gia Cát Tiên nói trên đối xử với chứng thư pháp lý của vườn như “sổ đỏ” nhà mình chắc chẳng xảy ra chuyện, nếu công chức hoàn thành việc công như việc nhà mình thì người dân chẳng phải phiền lòng vì bị hành nơi công sở. Muốn làm được việc đó đâu khó, chỉ cần chế độ trách nhiệm rõ ràng, minh bạch và kỷ luật hành chính công vụ nghiêm minh.

An Nguyên

>> Ai giữ sổ đỏ Vườn quốc gia Cát Tiên ?
>> Sổ đỏ của Vườn quốc gia Cát Tiên đang thất lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.