Trách nhiệm cải cách nền hành chính

08/11/2014 04:00 GMT+7

Trên tinh thần Hiến pháp 2013, dự luật Tổ chức chính quyền địa phương mà QH khóa 13 bàn bạc trong kỳ họp này, cùng với luật Tổ chức Chính phủ và luật Ngân sách nhà nước sẽ là 3 đạo luật quan trọng nhất cho việc tiến hành cải cách nền hành chính và tài chính quốc gia.

Nói cách khác, QH khóa 13 đang nắm trong tay một cơ hội lớn không thể bỏ lỡ cho việc cải cách hai vấn đề nóng bỏng hàng đầu hiện nay của đất nước.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một đạo luật mới, lần đầu tiên có trong thiết chế nhà nước VN. Liên quan đến chính quyền địa phương có 3 khái niệm quan trọng là Phân quyền, Phân cấp và Ủy quyền. Trong đó Phân cấp và Ủy quyền gắn với nhiệm vụ cấp trên, còn Phân quyền gắn với chính cấp chính quyền đó. Lập luận của chúng ta là vì cấp chính quyền này được phân quyền, được tự chủ nên đó là cấp phải có cơ quan dân cử để người dân thực hiện quyền của mình, tức là phải có HĐND...

Còn nếu một cơ quan chỉ có Phân cấp, Ủy quyền mà không có Phân quyền tức là cơ quan đó không có quyền quyết định gì cả. Do đó, không nhất thiết phải có cơ quan dân cử. Ví dụ, TP.HCM có 13 quận nội thành, các quận đều có HĐND nhưng việc phát triển hạ tầng đều do HĐND TP quyết định hết, cấp quận chỉ thực thi. Đó là lý do cấp quận không cần cơ quan dân cử.

Theo quan điểm của tôi, phải dứt khoát việc chính quyền địa phương chỉ tổ chức hai cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Tại sao lại không tổ chức ba cấp? Đầu những năm 1990, chúng ta có 53 tỉnh, 400 quận, huyện và khoảng 6.000 xã, phường. Nay sau 20 năm, giao thông, liên lạc, trình độ phát triển đều tiến rất xa, nhiều dịch vụ trước đây do nhà nước làm nhưng nay đã được xã hội hóa. Nhưng không hiểu vì lý do gì chúng ta đã tăng số đơn vị hành chính cấp quận, huyện lên gấp đôi? Hiện tại có tới hơn 700 quận, huyện và 12.000 xã phường và xu thế này vẫn đang tiếp tục phát triển.

Ở đây phải lưu ý một đặc điểm của nước ta là một cấp chính quyền luôn luôn đi liền cả một hệ thống chính trị chứ không chỉ có bộ máy nhà nước. Thêm một xã, phường mới không chỉ là tăng thêm một UBND xã, phường với các bộ phận như công an, tư pháp, tài chính, thương binh - xã hội, văn hóa... mà còn các tổ chức hội, đoàn thể như Hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh...

Theo các chuyên gia Nhật Bản, năm 1951, QH Nhật cũng đã thông qua việc rút tổ chức chính quyền địa phương xuống còn hai cấp với lý do tiền thuế không đủ để duy trì. Người Nhật xác định chỉ chi một khoản tiền nhất định cho bộ máy và bộ máy ấy phải đáp ứng được yêu cầu công việc chứ không thể phình ra mãi. Câu chuyện nước Nhật hơn 60 năm trước có lẽ khá giống VN bây giờ. Tôi cho rằng nếu chúng ta vẫn tiếp tục 3 cấp hành chính thì chắc chắn cũng sẽ không thể nào nuôi nổi bộ máy cồng kềnh như thế. Việc tăng lương cho cán bộ, công chức sẽ càng ngày càng khó khăn...

Việc tổ chức thực hiện cải cách như thế nào chắc chắn cũng sẽ cần những bước đi phù hợp, thận trọng vì cải cách sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn lao, đụng chạm nhiều vấn đề cũng như ảnh hưởng tâm tư, nguyện vọng của hàng vạn cán bộ. Song không vì thế mà chúng ta có thể bỏ qua cơ hội lớn này vì sự phát triển của đất nước.

Tiến sĩ Trần Du Lịch

>> Hướng đến 'Nền hành chính phục vụ
>> Xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.