'Trách nhiệm' đã có hình hài

10/01/2018 05:12 GMT+7

“Việc bộ trưởng, trưởng ngành có giải quyết đơn, thư khiếu nại của cử tri hay không sẽ ảnh hưởng đến tín nhiệm của các vị đó” - câu nói ngắn gọn này của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phản ánh được một chặng đường dài mà công tác dân nguyện đã trải qua.

Phải chăng đã hết thời người dân chỉ kêu gào những nỗi bức xúc mà đáp lại chỉ là tiếng vọng của chính mình? Cơ quan Dân nguyện cũng không còn là một cái “bưu điện” như có thời người dân từng ví, đơn thư đến thì chuyển mà không biết số phận nó ra sao.
Nhiều đại biểu khóa trước vẫn còn nhớ từng bước chuyển mình khó nhọc của hoạt động dân cử, từ việc có chất vấn, đến truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, đến có được một nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn - khi những lời hứa của các bộ trưởng không còn là “lời nói gió bay” mà là “lời nói đọi máu”. Mỗi một bước đi đó đều là sự đấu tranh rất lớn.
Bước ngoặt của hoạt động chất vấn có được từ khi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đồng ý với đề xuất cho truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, buộc cả bên hỏi và bên trả lời đều phải có trách nhiệm hơn với “vai” của mình, thậm chí cả người điều hành. Lần đầu tiên, có hàng triệu con mắt cử tri dõi theo. Môi trường minh bạch, trách nhiệm rõ ràng, làm tất cả các bên đều trưởng thành một cách có trách nhiệm.
Tới đây, ngay trong năm 2018 này, việc trả lời kiến nghị của các bộ trưởng còn được các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương chấm điểm bằng phiếu: tốt, khá, trung bình, yếu... sẽ một lần nữa khẳng định quyền lực của cơ quan dân cử.
“Sợi dây nối giữa đại biểu Quốc hội với cử tri” một lần nữa được gia cố bền chặt hơn. Nhân dân không còn là một tập thể chung chung nhưng không là ai cả, mà trở nên rõ hình hài - là một liệt sĩ đã hy sinh 86 năm mới được công nhận; là người cha, người mẹ nửa đời người đi đòi quyền lợi cho con; là một người dân nghèo đấu tranh để giữ lại túp lều mà cả đời mình ki cóp...
Từng người dân, trong vai trò cá thể, có lẽ, chưa bao giờ có sức nặng đến thế trong đối trọng với những vị “quyền cao”. Số phận của tôi là uy tín của anh và người đại diện của tôi sẽ thể hiện điều đó qua lá phiếu. Dân được lắng nghe và sự lắng nghe đó tạo nên thay đổi. Tính trách nhiệm nằm ở đấy.
Nhiều cựu đại biểu Quốc hội vẫn nhắc lời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An như một lời nhắc nhở chính mình: Nếu một đại biểu Quốc hội được bầu mà làm tốt kỷ luật của Đảng thì chỉ là đại biểu tốt 50%. Khi thực hiện được cả ý nguyện của cử tri, thì mới đạt được 50% còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.