Trai bơi Lệ Thủy

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
24/08/2018 10:00 GMT+7

Đã hơn tháng nay, các thôn trong H.Lệ Thủy náo nức chuẩn bị cho ngày hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc lập 2.9.

Đây là lễ hội có đông người tham gia nhất, hấp dẫn nhất của tỉnh Quảng Bình.
“Bình thường thôi, mình cùng quê... đại tướng!”
Lệ Thủy có hai làng nói trạng nổi tiếng, “nói ngang Mỹ Lộc, nói dọc Quảng Cư”. Có thể hiểu đại khái là, ai nói cái gì ra họ cũng phải nói “ngang - dọc” lại hoặc quá lên mới chịu.
Ví dụ, “Cái đò bơi làng ta năm ni mệt quá, vừa hạ xuống sông chưa có ai bơi nó chạy cái vù, chạy ca nô đuổi theo không kịp”.
Nếu hỏi: “Anh quê đâu?”, người Lệ Thủy mặt vác lên, thản nhiên: “Bình thường thôi, mình cùng quê... Đại tướng!”. Ý nói cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ấy!
Lệ Thủy hầu hết là đồng chiêm trũng thẳng cánh cò bay, nên có câu ca “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện”. Nghe nói câu này xuất phát từ thời Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (cũng quê Lệ Thủy) mang con dân vào khai khẩn ở miền Nam. Hai huyện vựa lúa là Lệ Thủy và Quảng Ninh. Lại có câu khác “Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người”. Cũng là một câu ca “tinh tướng”, người Lệ Thủy vất vả lắm, đâu có thong dong!
Trai Lệ Thủy khỏe mạnh, chịu thương chịu khó. Công nhận. Nhưng chế ra câu “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Lấy chồng Lệ Thủy đời đời ấm no” thì đỉnh cao của sự tự tin quá đáng. Dù công nhận, trai Lệ Thủy chiều vợ vô biên!
Lúc hai thuyền kèm nhau là lúc trai bơi mệt nhất Ảnh: Trương Quang Nam
Trai làng
Làng Lộc An thuộc xã An Thủy đối diện với làng An Xá quê Bác Giáp. Hồi trước, cả hợp tác xã chỉ có mỗi cái máy tuốt lúa hiệu Trần Hưng Đạo (Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo) chạy dầu diezel. Mỗi đội sản xuất được phân lịch sử dụng 1 ngày, sau đó luân phiên đến đội khác. Những đội xa thì khiêng máy về thuyền, mỗi lần 3 đòn, 6 người, nhưng đội 1 và đội 2 chỉ cách nhau cái hói (kênh), có bắc một chiếc cầu nhỏ chỉ một người đi không tránh nhau được. Để di chuyển máy qua về hai đội này, hợp tác xã đều kêu chú Trính và chú Minh. Cái máy ghi trọng lượng 398 kg.
Mỗi lần hai chú khiêng máy, người tụ tập xem đông lắm. Hai người buộc dây, xỏ đòn (là một cây tre già, cứng). Lúc đó, quai hàm hai chú bạnh ra, cổ rụt lại, ngắn và to, cơ chân, cơ tay nổi lên cuồn cuộn, mặt đỏ nhừ... bước từng bước qua cầu, mọi người nín thở.
Chú Trính tầm ba lăm, đã có vợ con; chú Minh chưa tới ba chục tuổi, chưa vợ. Sau này, hai chú đều cầm lái đò bơi của hai thời kỳ khác nhau. Phải khỏe mạnh và khéo léo lắm mới được làng giao cho việc này.
Đò bơi
Kiến Giang là con sông chảy dọc qua nhiều xã của huyện. Thượng nguồn khá rộng nhưng về đến Mũi Viết, trung tâm huyện lỵ thì chia làm hai nhánh, nhánh nhỏ đổ ra đồng Thượng Phong (quê ông Ngô Đình Diệm), nhánh chính đổ về phá Hạc Hải (đi ngang bến nhà ông Võ Nguyễn Giáp). Nhánh sông này hẹp lại.
Lễ hội đua thuyền có từ xa xưa, tổ chức vào tháng 7 âm lịch, người già kể lại, gọi là bơi cầu đảo (cầu mưa). Khi lúa gặt rồi phải có mưa lũ thì năm sau đất đồng mới được bồi đắp phù sa, được mùa.
Sau ngày 2.9 năm 1945, người ta điều chỉnh thời gian bơi đua vào dịp Quốc khánh. Trước hết là bơi xã (các xã tổ chức bơi với nhau), sau đó mới bơi huyện. Bơi huyện thì chia thành hai tốp, bơi xong chọn những thuyền tốp trên vào chung kết.
Ở Lệ Thủy, thuyền đóng bằng gỗ, cách đóng thuyền (mẹo mực, tức là kích thước) cũng có bí quyết riêng, không ai giống ai. Đó là yếu tố quan trọng làm nên sự hấp dẫn. Khi ở trên bờ, đừng nói mà đụng vào đò bơi, linh thiêng lắm.
Huyện có rất nhiều thợ đóng thuyền nhưng chỉ vài người giỏi. Hồi trước làng Lộc An có ông Lộc nổi tiếng nhất, sau con ông là anh Trung kế nghiệp. Đò bơi đua không chỉ đóng xong là xong, giữa đò có một cây tre đặt dọc, nối các chỗ ngồi của người bơi với đáy thuyền bằng dây tre. Tùy theo thời điểm, thợ đóng thuyền dặn để nêm thuyền (đóng cái nêm vào nâng đáy lên) hoặc rút nêm ra (hạ đáy thuyền xuống) để thuyền đi đường trường hay xuất phát cho “đằm”.
Ông Dương là kỹ sư hàng hải về hưu, có năm ông bảo có thể đóng thuyền theo tiêu chuẩn khoa học. Làng An Xá mời ông đóng. Khi hạ thủy, chiếc thuyền nổi lềnh bềnh trên mặt nước, đến mức trai bơi cầm chầm bơi không thể với đến mặt nước. Thất bại.
Trai bơi thì chọn những người khỏe mạnh nhất làng, khỏe mạnh nhưng sức phải dai, không chọn người sức nô (khỏe nhưng chỉ được đoạn đầu, không bền).
Như đã kể, người chèo lái là quan trọng nhất, không những khỏe (để điều khiển hướng đi do mấy chục người cầm chầm đang bơi rất mạnh) mà phải khéo léo để có thể điều khiển con thuyền lách qua những đò bơi khác mà không bị va chạm hoặc ôm cua lợi đường mà thuyền không bị lật.
Người quan trọng thứ hai là người đánh mõ. Mõ làm bằng mắt một gốc tre già, đục đẽo, phơi khô, tiếng giòn, vang. Tùy từng thời điểm mà họ có thể điều khiển bơi mái dặt (nhanh) hoặc mái khoan (chậm) qua nhịp mõ và lời hô. “Trài hô trài, hô trài, hộ trài” là mái dặt; “khoan hô khoan, hộ hồ khoan” là mái khoan. Phải khoan, dặt đúng lúc để vượt qua thuyền làng khác hoặc giữ sức để bơi đường trường. Một vòng bơi gần 30 km đi về. Đích xuất phát ở Mũi Viết, bơi lên thượng nguồn (An Mã) về hạ nguồn (An Lạc) rồi quay về đích. Mỗi mùa bơi xong, người đánh mõ tắt tiếng vì gào quá cỡ.
Người dân đứng dọc bờ sông cổ vũ Ảnh: Trương Quang Nam
“Ơi, Lộc An mềng, lên đi, lên đi!”
Những ngày này, làng nào cũng rạo rực. Bọn trẻ con lấy gốc tre làm mõ đánh oang làng. Mỗi lần nghe tiếng mõ ai cũng thấy náo nức, đứng ngồi không yên. Dịp 28.8 bơi xã, người tứ xứ bắt đầu đổ về. Con cháu ở gần thì chất gia đình lên xe máy, hai vợ chồng kẹp con ở giữa, chạy rần rật về quê. Người ở xa thường về trước để cảm nhận cái không khí chuẩn bị. Chưa kể, làng thắng làng thua còn là chủ đề để họ “nấu cháo” với nhau cả mấy tuần sau nữa.
Ba tôi bình thường thủng thỉnh là vậy mà từ khi về hưu, dịp bơi đua, suốt ngày lên thôn xuống bến, có hôm 2 - 3 giờ sáng mới về, tìm cái này, lục cái khác rồi đi liền, mấy ông mấy bà hàng xóm thì chạy qua chạy về hội ý hội báo có vẻ căng thẳng lắm, chẳng khác gì ngày xưa sắp khởi nghĩa. Từ khi đóng thuyền đến khi hạ thủy, làng phải làm nhiều cái lễ thuộc về tâm linh.
Ở làng An Xá có thờ một phụ nữ, gọi là miếu Bà Lỗ. Bà Lỗ là một phụ nữ giàu có của làng, vì cay cú năm nào làng mình cũng bị thua nên nghĩ ra một mẹo. Bà gọi trai bơi của làng đến và dặn thế này, thế này. Hôm sau, các thuyền bơi ngang qua An Xá, bà đứng trên bến cởi truồng ra. Các trai bơi làng bà do được báo trước nên cứ thế mà bơi không nhìn lên, còn các trai bơi làng khác dĩ nhiên không thể bỏ qua một sự kiện hấp dẫn như thế. Họ ngỡ ngàng đến quên bơi và dĩ nhiên năm đó làng bà thắng cuộc. Sau đó vì bị đàm tiếu, người đàn bà ra sông tự vẫn. Nơi đó được người ta xây thành cái miếu Bà Lỗ (tức ở lỗ, khỏa thân).
Có lẽ khó có nơi nào có được một cái miếu Bà Lỗ độc đáo như ở Lệ Thủy.
Mỗi lần bơi đua, hàng chục nghìn người đổ ra hai bờ sông để cổ vũ. Mỗi lần thuyền ngang qua, họ lao cả xuống sông, tạt nước, hò hét khản cả giọng. Làng nào hô tên làng đó.
Lễ hội bơi đua Lệ Thủy hấp dẫn, như đã nói, là nhờ sự tương tác đó. Chứ ở nơi khác sông rộng quá, người bơi chỉ biết bơi, người xem chỉ đứng xa mà xem nên không thể thu hút bằng.
Thuyền đi qua, dân làng tôi đánh trống, gõ mõ, xách xô chậu ra đánh thùng thùng, xèng xèng, lấy nón vẫy, lấy chậu té nước, hô vang: “Ơi, Lộc An mềng, lên đi lên đi!”. Phút giây đó người già cũng như con nít, vô tâm vô tư, hò reo hết mình, thật là đã!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.