Hôm 19.3, cơ quan thời tiết của Liên Hiệp Quốc - trong báo cáo thường niên về tình hình khí hậu toàn cầu - cho biết vào năm ngoái, nhiệt độ trung bình đã đạt mức cao nhất trong dữ liệu 174 năm qua.
Nhiệt độ trung bình gần bề mặt trong năm ngoái cao hơn 1,45 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đó là nhiệt độ rất gần đến ngưỡng 1,5 độ C mà các quốc gia đã nhất trí không vượt qua trong hiệp định khí hậu Paris 2015.
Nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục vào năm ngoái, trong bối cảnh các đợt sóng nhiệt hoành hành trên các đại dương và các sông băng bị mất lượng băng lớn chưa từng thấy. Báo cáo xác nhận dữ liệu sơ bộ cho thấy năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Năm 2023 cũng là một phần của thập niên nóng kỷ lục, và nhiệt độ cao hơn còn tiếp diễn. Bình luận về báo cáo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng điều đó cho thấy "một hành tinh bên bờ vực thẳm".
Báo cáo hôm 19.3 cho thấy lượng băng trên biển ở Nam Cực đang giảm mạnh.
Nó chỉ ra một xu hướng kết hợp với sự nóng lên của đại dương khiến nước giãn nở đã góp phần làm tăng hơn gấp đôi tốc độ nước biển dâng trong thập niên qua so với giai đoạn 1993-2002.
Báo cáo cho biết, nhiệt độ đại dương ở Bắc Đại Tây Dương đạt nhiệt độ trung bình cao hơn mức trung bình 3 độ C vào cuối năm 2023, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển mỏng manh.
Nhiều loài cá đã chạy trốn khỏi khu vực này về phía bắc để tìm kiếm nhiệt độ mát hơn.
WMO cho biết năm 2024 có thể sẽ đạt kỷ lục nhiệt mới.
Bình luận (0)