Trái đất có thể đang bị người ngoài hành tinh theo dõi

24/06/2021 19:17 GMT+7

Các nhà thiên văn học đã xác định được 29 hành tinh mà người ngoài hành tinh có thể đã ở đó để bí mật theo dõi trái đất trong hàng ngàn năm qua.

Theo tờ The Guardian ngày 23.6, các nhà khoa học đã xác định được 1.715 hệ sao trong khu vực vũ trụ, nơi các sinh vật ngoài hành tinh có thể đã phát hiện ra trái đất trong 5.000 năm qua bằng cách xem nó vận động quanh mặt trời.

Bắt được tín hiệu vô tuyến?

Trong số những hệ sao nằm ở vị trí “đắc địa” có thể quan sát được trái đất, có 46 hệ sao đủ gần để có thể chặn các tín hiệu chứng minh sự tồn tại của con người như sóng vô tuyến và truyền hình, vốn ra đời từ cách đây khoảng 100 năm.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có 29 hành tinh có thể sinh sống được nằm ở vị trí có thể quan sát quá trình vận động của trái đất và nghe trộm tín hiệu vô tuyến và truyền hình của con người.
Nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư thiên văn học Lisa Kaltenegger, Giám đốc Viện Carl Sagan tại Đại học Cornell (Mỹ) và nhà vật lý thiên văn Jackie Faherty tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.

Họ đã làm cách nào?

Các nhà thiên văn học đã phát hiện hàng ngàn hành tinh nằm ngoài Hệ mặt trời và khoảng 70% được phát hiện khi các hành tinh đó đi qua phía trước các ngôi sao chủ của chúng và chặn một phần ánh sáng chiếu tới kính thiên văn của các nhà khoa học. 
Các nhà thiên văn học cho rằng người ngoài hành tinh cũng có thể phát hiện trái đất thông qua cách này. Để xác định hệ sao nào gần trái đất có thể theo dõi chúng ta, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu trong kho lưu trữ vị trí và chuyển động của các hành tinh trong vũ trụ (Gaia catalogue) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Sao Teegarden's Star (màu đỏ) cùng 2 hành tinh và khoảng cách đến Hệ mặt trời

Ảnh chụp màn hình The Guardian

Thông qua đó, họ xác định được 2.034 hệ sao trong bán kính 326 năm ánh sáng từ trái đất có thể phát hiện trái đất đi qua theo cách nói trên, thời gian có thể quan sát từ 5.000 năm trước đến 5.000 năm tới. Một năm ánh sáng tương đương khoảng 9.460 tỉ km.
Một trong số đó là Ross 128 - ngôi sao lùn đỏ trong chòm sao Xử Nữ, cách chúng ta khoảng 11 năm ánh sáng, đủ gần để có thể bắt tín hiệu từ trái đất. Ngôi sao này có một hành tinh có kích thước gần gấp đôi trái đất và nếu có nền văn minh trên đó, họ có thể quan sát trái đất trong 2.000 năm. Tuy nhiên, quãng thời gian này đã qua đi cách đây 900 năm.

Mỹ chưa có bằng chứng chứng tỏ vật thể bay không xác định là phi thuyền ngoài hành tinh

Một ngôi sao khác có thể quan sát trái đất là Trappist-1, cách chúng ta 45 năm ánh sáng. Ngôi sao này có ít nhất 7 hành tinh và 4 trong số đó nằm trong vùng có thể sinh sống được. Tuy nhiên, vật thể sống nếu có trên các hành tinh này chỉ có thể quan sát trái đất trong 1.642 năm nữa.

Ngôi sao lùn đỏ Teegarden's Star cách trái đất 12,5 năm ánh sáng và có 2 hành tinh nằm trong vùng sống được. Nếu có sự sống trên hai hành tinh này, họ có thể quan sát trái đất trong 29 năm nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.