Trái đất đang ở trong một khoảng trống khổng lồ của vũ trụ?

15/12/2023 16:15 GMT+7

Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy Dải Ngân hà đang trượt bên trên rìa một vùng không gian trống rỗng của vũ trụ, và bản thân trái đất đang nằm bên trong khoảng trống đó.

Trái đất có lẽ đang ở trong một khoảng trống khổng lồ của vũ trụ - Ảnh 1.

Mô phỏng về cấu trúc của vũ trụ cho thấy các cụm, khối, dải sợi và những vùng không gian trống rỗng

VIỆN MAX PLANCK VỀ VẬT LÝ THIÊN VĂN

Theo một số giả thuyết của các chuyên gia trái đất, thay vì tản mát tự do trong không gian, các thiên hà có khuynh hướng tập trung thành cụm, khối và các dải sợi của mạng lưới vũ trụ. Các thiên hà thu hút nhau nhờ lực hấp dẫn và tạo nên cái gọi là "các đường cao tốc", hoặc thậm chí "siêu xa lộ" và những nút tập trung vật chất.

Trái ngược với xu hướng đó chính là các vùng không gian trống rỗng (void) của vũ trụ, nơi thưa thớt sự hiện diện của các thiên hà.

Giới thiên văn học đang thu thập thêm những chứng cứ cho thấy Dải Ngân hà đang trượt bên trên rìa của một không gian trống rỗng ở một ngách của vũ trụ, được gọi tên là Local Void.

Những đo đạc trước đó ước tính kích thước của Local Void vào khoảng 60 megaparsec (Mpc), tức bề ngang khoảng 200 triệu năm ánh sáng.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học cho rằng có vẻ như Local Void đang bị rơi vào một vùng không gian trống rỗng lớn hơn, gọi là Local Hole hoặc Siêu không gian trống rỗng Keenan-Barger-Cowie (KBC Void). Bề ngang của KBC Void vào khoảng 600 Mpc.

Lời giải cho bí ẩn vũ trụ

Báo cáo mới do nhóm của nhà vật lý thiên văn Sergij Mazurenko thuộc Đại học Bonn (Đức) thực hiện cho rằng sự hiện diện của KBC Void đã mang đến lời giải thích cho một trong những bí ẩn lớn nhất trong ngành vũ trụ học, đó là tốc độ giãn nở của vũ trụ.

Tốc độ vũ trụ giãn nở được xác định bằng Hằng số Hubble. Thế nhưng, đến nay các nhà thiên văn học vẫn chưa tìm được con số chính xác, vì những biện pháp đo đạc khác nhau cũng mang đến các kết quả không giống nhau.

Nếu sử dụng phương pháp đo đạc tàn dư của sự kiện Big Bang giúp khai sinh vũ trụ, tốc độ giãn nở là khoảng 67 km/giây/mpc.

Còn biện pháp đo đạc dựa trên hệ quy chiếu các thiên thể phát sáng, như sự kiện siêu tân tinh Type Ia, tốc độ lại là khoảng 73 km/giây/mpc.

"Vũ trụ có vẻ như giãn nở nhanh hơn ở vùng phụ cận của trái đất so với phần còn lại của nó", theo một thành viên của nhóm nghiên cứu là nhà vật lý thiên văn Pavel Kroupa của Đại học Bonn, nhận xét trong báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Theo đội ngũ chuyên gia, sự chênh lệch kết quả có thể được giải quyết nếu họ gộp vùng không gian trống rỗng vào tính toán.

Vật chất thu hút lẫn nhau thông qua lực hấp dẫn. Tốc độ rời xa Dải Ngân hà của các thiên hà có thể tăng tốc do sự tập trung của vật chất xung quanh vùng rìa KBC Void.

Đội ngũ Đại học Bonn hy vọng phát hiện của họ sẽ giúp lý giải tại sao có sự chênh lệch trong kết quả tính toán tốc độ giãn nở của vũ trụ, từ đó cho phép giới thiên văn học đưa ra kết quả chính xác hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.