Trái đất đối diện hiểm họa nhiệt độ lên cao nhất trong vòng 1,2 triệu năm qua
08/08/2018 16:42 GMT+7
Nghiên cứu mới cảnh báo Trái đất có thể nóng chưa từng có, trong khi mực nước biển có thể dâng đến 60m.
Tự động phát
Đài BBC ngày 7.8 dẫn nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế cảnh báo nhiệt độ địa cầu có thể sớm đạt mức nóng “như nước sôi” ngay cả khi các nước hạn chế mức phát thải khí nhà kính.
Một lượng khí cacbonic (CO2) khổng lồ sẽ lan ra bầu khí quyển nếu nhiệt độ Trái đất tăng khoảng 2 độ C, theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Hằng năm, khoảng 4,5 tỉ tấn CO2 được hấp thu bởi các đại dương, rừng và đất. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ trở nên nóng hơn, các yếu tố này sẽ không tiếp tục bảo vệ được Trái đất, dẫn đến tác động kép.
[VIDEO] Biển đổi khí hậu phức tạp hơn vì 'hiệu ứng domino', nhiệt độ có thể tăng vượt kiểm soát
|
Trước đó vào năm 2015, nhiều nước đồng ý thỏa thuận chống biến đổi khí hậu nhằm giữ nhiệt độ tăng trong mức 2 độ C so với trước thời công nghiệp hóa. Theo các nhà khoa học, kế hoạch này sẽ không có tác dụng nếu phân tích của họ chính xác.
“Chúng tôi muốn nói rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C, chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh không kiểm soát được cơ chế của hành tinh này nữa”, theo giáo sư Johan Rockström thuộc trung tâm nghiên cứu SRC (Thụy Điển).
Khi đó, hành tinh xanh sẽ rơi vào tình trạng có tên gọi là “Ngôi nhà Trái đất nóng”, với nhiệt độ cao nhất trong vòng 1,2 triệu năm qua.
Nhiệt độ sẽ có thể ổn định ở mức 4-5 độ C cao hơn thời tiền công nghiệp. Khi đó, băng tan sẽ khiến mực nước biển cao thêm 10-60m.
[VIDEO] Nhiên liệu than gây ô nhiễm, nhưng bao nhiêu nước sẽ ngừng sử dụng?
|
Điều khả quan là chúng ta có thể tránh rơi vào tình trạng này bằng cách thay đổi tác động đến môi trường.
“Khí hậu và các thay đổi trên toàn cầu cho thấy con người đang tác động đến Trái đất ở quy mô toàn cầu. Điều này có nghĩa là cộng đồng thế giới có thể kiểm soát mối quan hệ với môi trường để thay đổi các điều kiện thời tiết trong tương lai”, theo bà Katherine Richardson tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch).
Theo bà, con người có thể sẽ phải dừng đốt nhiên liệu hóa thạch, xúc tiến trồng cây, bảo vệ rừng, tìm cách ngăn bức xạ Mặt trời và phát triển các thiết bị xử lý khí nhà kính.
Bình luận (0)