Trái đất từng có 2 mặt trăng?

07/08/2011 17:34 GMT+7

Theo giả thuyết mới, trái đất từng có đến 2 mặt trăng quay xung quanh, cho đến khi mặt trăng nhỏ hơn tự kết liễu đời mình bằng cách đâm vào người anh em.

Trái đất bị “bẽ mặt” sau khi giới thiên văn học tuyên bố cách đây vài tuần rằng sao Diêm Vương, xếp thứ 9 theo thứ tự trong hệ mặt trời, được xác định là có thêm 1 mặt trăng. Như vậy, hành tinh này có chính thức 4 vệ tinh tự nhiên, trong khi trái đất lúc nào cũng chỉ “mắc kẹt” với một mặt trăng duy nhất. Đành rằng các hành tinh khác gần mặt trời hơn như sao Thủy và sao Kim chẳng có mặt trăng nào, nhưng sao Hỏa với kích thước nhỏ hơn trái đất lại có đến 2 mặt trăng. Đó là chưa kể sao Mộc sở hữu hơn 60 cái, hoặc sao Thổ 53 cái. Ngay cả các tiểu hành tinh cũng có nhiều mặt trăng hơn hành tinh xanh. Như Sylvia, tảng đá vũ trụ có chiều rộng 617 km, cũng có cặp “vệ sĩ” Romulus và Remus.


Chuyên gia Mỹ đã đưa ra giả thuyết về 2 mặt trăng - Ảnh: Awakenlight.org

Giả thuyết mới

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây trên chuyên san Nature, hành tinh xanh từng có đến 2 chị Hằng như sao Hỏa và Sylvia. Đó là lý thuyết do hai nhà thiên văn học Martin Jutzi và Erik Asphaug của Đại học California (Mỹ) đưa ra nhằm giải thích tại sao mặt trăng của chúng ta lại mang một bộ mặt lỗ chỗ như vậy. Phần đối diện với trái đất có vẻ phẳng phiu hơn, với những đồng bằng cạn hình thành do dung nham từ thời kỳ cổ đại, khiến chuyên gia trái đất ban đầu lầm tưởng là các đại dương. Nhưng đến khi phi thuyền đầu tiên của con người thực hiện chuyến du hành vòng quanh mặt trăng vào đầu thập niên 1960, phần còn lại hầu hết bị bao phủ bởi núi non và các hố sâu.

Chưa ai có thể giải thích cặn kẽ tại sao mặt trăng lại có bề ngoài mất cân xứng như vậy. Có thể do những va chạm khủng khiếp trong quá khứ, hoặc nó có nhân lệch tâm khiến lớp vỏ ở phần đối diện trái đất mỏng hơn, tạo cơ hội cho dung nham phun trào làm láng bề mặt. Đến lượt mình, hai ông Jutzi và Asphaug bắt đầu suy luận rằng vùng cao nguyên ở phần xa hơn của mặt trăng có vẻ như được bồi đắp dần dần trên một bề mặt đã tồn tại từ trước. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết hình thành mặt trăng.

Nhờ vào kết quả phân tích đá mặt trăng được mang về trái đất thông qua các sứ mệnh của phi thuyền Apollo, các nhà khoa học hành tinh gần như chắc chắn rằng vệ tinh trên hình thành hàng tỉ năm trước khi một hành tinh cỡ sao Hỏa đâm vào trái đất non trẻ. Vụ va chạm đã thổi một đám mây bụi từ cả hai hành tinh vào không gian, và dần dần hình thành nên mặt trăng. Tất nhiên không loại trừ có những mảnh nhỏ hơn, nhưng quỹ đạo của chúng ắt hẳn không ổn định và dễ dàng lao đầu vào trái đất hoặc mặt trăng theo kiểu tự sát. Trừ phi mọi chuyện diễn ra ngay tại điểm Trojan, nơi có cùng quỹ đạo như mặt trăng nhưng lại di chuyển cách xa về phía trước hoặc về phía sau, khoảng cách lực hút ổn định hơn.

Mặt trăng yểu mệnh

Hồi tuần trước, các chuyên gia vừa công bố khám phá về một tiểu hành tinh Trojan đầu tiên của trái đất. Do đó, không có lý do gì mặt trăng chẳng có được một Trojan trong nhiều triệu năm trước. Dựa trên luận điểm này, hai ông Jutzi và Asphaug dựng nên mô hình mô phỏng trên máy tính, theo đó có một mặt trăng nhỏ và mặt trăng lớn tồn tại cùng nhau. Sau vài chục triệu năm, mặt trăng nhỏ trở nên bất ổn và kết thúc đời sống của nó bằng cách lao đầu vào người anh em to xác hơn, tạo nên hố va chạm lớn. Trong trường hợp này, nếu mặt trăng mini chỉ rộng khoảng 1.200 km, bằng 1/3 khối lượng của mặt trăng hiện tại, xác của nó sẽ bồi đắp lên phần xa hơn của mặt trăng như chúng ta đã biết. Điều này cũng giải thích được tại sao dung nham lại trào ra ở phần đối diện với trái đất.

Hiện các chuyên gia hy vọng phi thuyền trinh sát mặt trăng LRO đang bay quanh vệ tinh này ít nhất có thể phân tích được khoáng chất bên dưới bề mặt. Đến tháng 9, một phi thuyền mới cũng sẽ được phóng lên, mang theo sứ mệnh thăm dò mặt trăng. Với sự giúp sức của phi thuyền GRAIL, biết đâu chừng giả thuyết trên sẽ được sớm chứng minh để ghi lại sự hiện diện trong lịch sử của một mặt trăng yểu mệnh.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.