"Ông lớn" mở cửa
Cuối tháng 7.2023, đoàn cán bộ quản lý nhà nước và Hiệp hội Dừa VN có chuyến làm việc tại Trung Quốc. Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng để thị trường tỉ dân này cấp giấy thông hành cho trái dừa VN vươn xa hơn trên hành trình chinh phục những thị trường lớn. Ngay sau chuyến thăm đó, một lịch trình chi tiết để mở cửa cũng đã được thông qua: Ngày 14.8 đoàn hải quan Trung Quốc sẽ sang VN để kiểm tra thực tế, đánh giá năng lực sản phẩm, cơ sở chế biến… trên cả nước.
Tháng 9.2023, dự kiến quả dừa VN sẽ được đưa vào danh mục để hai bên ký kết Nghị định thư, chính thức đưa quả dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường đông dân nhất nhì thế giới. Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã gửi công văn cho các địa phương có sản xuất, chế biến dừa nhằm chuẩn bị tài liệu cho công tác kiểm tra thực địa và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cùng thời điểm này, Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã chính thức gửi công văn cho Cục Bảo vệ thực vật, thông báo các nhà sản xuất VN có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ "ngay lập tức". Vì APHIS đã phân loại dừa đã tách một phần vỏ là sản phẩm đã qua chế biến nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ. Bên cạnh đó, APHIS cho biết đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của Mỹ. Như vậy, quả dừa VN được nhập khẩu vào Mỹ có thể ở dạng được loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ và xơ dừa hoặc dạng quả dừa non đã loại bỏ ít nhất 75% (3/4) lớp vỏ xanh bên ngoài.
Trao đổi với PV Thanh Niên về ngành sản xuất, xuất khẩu dừa VN hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Trái dừa là mặt hàng truyền thống của VN mang lại giá trị khá lớn và là sinh kế của nhiều nông dân trên cả nước. Dừa VN được các nước tiêu thụ đánh giá chất lượng cao hơn, độ ngọt cao hơn và sữa dừa trắng hơn những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên vào năm 2019 thì nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc đột ngột thay đổi chính sách. Đơn cử như Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch, trái dừa VN chưa được đưa vào danh sách được phép nhập chính ngạch nên bị mất đầu ra. Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng có nhiều thay đổi khiến dừa tươi không xuất đi được nữa. Giá dừa trong nước xuống thấp khiến nông dân trồng dừa lao đao, nhiều nơi bỏ bê chăm sóc… Hiện nay 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ mở cửa trở lại, đây là thông tin rất vui, mang lại tương lai tươi sáng cho mặt hàng dừa xuất khẩu và nâng cao đời sống cho nông dân".
1 tỉ USD đến từ đâu?
Theo Hiệp hội Rau quả VN, kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa năm 2022 vào khoảng 250 triệu USD, trong đó dừa tươi chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là sản phẩm chế biến sâu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những mặt hàng dùng trong thực phẩm, nguyên liệu ăn được. Còn theo số liệu thống kê mới đây của Hiệp hội Dừa VN cho thấy kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm dừa lên đến 900 triệu USD trong năm qua.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, thông tin: "Từ chỗ chỉ trồng, khai thác, chế biến sản phẩm ngành dừa theo hướng truyền thống, những năm gần đây, theo nhu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư những dây chuyền tự động hóa, khép kín để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới như nước dừa đóng lon, đóng hộp, nước cốt dừa đóng lon, kẹo dừa... Hiện cả nước có hơn 90 DN xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 DN đã xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu. Các DN ngành dừa không đơn thuần chỉ sản xuất về dừa mà còn khai thác nguyên liệu từ dừa, phục vụ các ngành sản xuất thực phẩm, y tế, mỹ phẩm với hơn 200 sản phẩm liên quan đến cây dừa. Điển hình như dầu dừa tinh khiết là sản phẩm giá trị cao đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng do xu hướng tiêu thụ thực phẩm thuần chay từ thiên nhiên, lành mạnh có hàm lượng calo thấp và có giá trị dinh dưỡng cao, giảm nguy cơ về tim mạch.
Cùng với đó, những mặt hàng mỹ phẩm cao cấp có sử dụng nguyên liệu tinh dầu dừa như dầu gội đầu, kem dưỡng da, son môi, chải mi, chất tẩy trang… cũng đang có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng rất lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa có giá trị cao. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa chế biến sâu và các sản phẩm nguyên liệu như bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy… của VN đã không ngừng tăng lên trong những năm qua, vươn lên vị trí thứ 4 của châu Á. Số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa trong năm 2022 đạt trên 900 triệu USD. Năm nay, do ảnh hưởng của tình hình chung, giá trị xuất khẩu dừa bị sụt giảm khoảng 32% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 215 triệu USD. Tuy nhiên, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa còn rất lớn và sẽ sớm đạt mức kim ngạch 1 tỉ USD".
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, cũng nhận định: "Sự đầu tư mạnh mẽ của các DN vào hoạt động chế biến dừa đã giúp ngành dừa ngày càng có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, đạt được nhiều tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu khó tính. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu của ngành dừa không ngừng gia tăng, thâm nhập vào các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ… Chỉ tính riêng năm 2022, giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã đạt 420 triệu USD, tăng trưởng 20% so với năm 2021. Năm nay, dù tình hình thị trường chung có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu của ngành dừa vẫn tương đối ổn định và dự báo sẽ đạt mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2022. Trong đó, 5 sản phẩm chủ lực chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của dừa Bến Tre là nước cốt dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng hộp, than hoạt tính và chỉ xơ dừa. Trong thời gian tới, triển vọng phát triển của ngành dừa còn rất lớn, nhất là khi Trung Quốc và Mỹ mở cửa trở lại cho dừa VN".
Mặt hàng dừa có cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu khi được Mỹ và Trung Quốc cấp giấy thông hành. Dù khó có thể vượt mặt được sầu riêng do diện tích vùng nguyên liệu hạn chế, nhưng sản phẩm dừa hoàn toàn có thể bắt kịp chuối với kim ngạch từ 600 - 700 triệu USD/năm. Đây mới chỉ là mặt hàng dừa tươi và các sản phẩm chế biến ăn được, còn nếu tính thêm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các phụ phẩm khác từ dừa thì kim ngạch còn cao hơn rất nhiều.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN
Hai thị trường tiêu thụ lớn là Mỹ và Trung Quốc đồng loạt mở cửa sẽ mang lại lợi ích to lớn đối với ngành dừa VN, nhất là các thị trường khác cũng sẽ hưởng ứng khi VN đạt đủ các tiêu chí về chất lượng, quy trình sản xuất. Theo tôi ước đoán, kim ngạch sản phẩm dừa xiêm, dừa lửa (lấy nước) sẽ tăng cao hơn nữa và đóng góp đến 30% vào kim ngạch chung của ngành dừa. Hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD, Hiệp hội Dừa VN đang triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, khẳng định thương hiệu các sản phẩm dừa trên thị trường. Cùng với đó, nhiều DN và địa phương đã liên kết với các nông hộ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang…, tiến đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ thương hiệu sản phẩm ngành dừa trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN
Bình luận (0)