Chống lãng phí - chống “giặc nội xâm”

Trại giống thủy sản và trạm kiểm dịch 'đắp chiếu'

Phạm Đức
Phạm Đức
19/11/2024 06:06 GMT+7

Đều được đầu tư với số tiền lên tới khoảng 8 tỉ đồng, song Trại nuôi thực nghiệm, sản xuất giống thủy sản và Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở Hà Tĩnh lại bỏ hoang vô cùng lãng phí.

Trại nuôi giống thủy sản: cho thuê rồi bỏ không

Vào năm 2007, Trung tâm (TT) Khuyến nông (Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh) được tỉnh Hà Tĩnh cấp hơn 8 tỉ đồng, trích từ ngân sách T.Ư hỗ trợ đầu tư từ Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, để xây dựng công trình Trại nuôi thực nghiệm, sản xuất giống thủy sản (gọi tắt là Trại nuôi giống thủy sản) trên diện tích rộng 4 ha ở thôn Ninh Hòa (xã Xuân Phổ, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Được cấp vốn, TT Khuyến nông tiến hành xây dựng khu nuôi thực nghiệm trên diện tích gần 2,9 ha và khu sản xuất giống rộng hơn 1,1 ha. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả nên đến năm 2013, TT Khuyến nông đã cho một công ty nuôi thủy sản ở H.Nghi Xuân thuê lại để sản xuất giống tôm thẻ. Đầu năm 2015, công ty này chuyển đi nơi khác đầu tư, trả lại Trại nuôi giống thủy sản cho chủ cũ.

Trại giống thủy sản và trạm kiểm dịch 'đắp chiếu'- Ảnh 1.

Trại nuôi thực nghiệm, sản xuất giống thủy sản xuống cấp, hoang tàn

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Đến tháng 9.2015, TT Khuyến nông cho Công ty TNHH Phát triển Fineton (gọi tắt Công ty Fineton) thuê lại trong thời hạn 5 năm, để sản xuất giống cá bơn, cá mú và các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Công ty này cam kết sẽ đầu tư 10 tỉ đồng để sản xuất 500.000 con giống/năm và hứa sẽ cung ứng con giống cho thị trường Hà Tĩnh. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ưu đãi miễn tiền thuê đất cho Công ty Fineton trong 3 năm đầu, 2 năm sau phải nộp tiền thuê đất 297 triệu đồng/năm.

Sau khi tiếp nhận, Công ty Fineton sửa sang và trang bị lại một số cơ sở vật chất. Tuy nhiên, khi chưa kịp đưa vào sản xuất thì công ty này dừng lại do không tìm được đầu ra. Trại nuôi giống thủy sản do vậy bị bỏ hoang từ đó cho đến nay khiến toàn bộ cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp hoang tàn.

Ông Trần Xuân Chương, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, cho rằng tỉnh Hà Tĩnh cần sớm có kế hoạch thu hồi lại trại nuôi thực nghiệm để cho doanh nghiệp khác có năng lực thuê hoặc bàn giao về cho địa phương quản lý. "Chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất lên cấp trên sớm có phương án xử lý, tránh tình trạng lãng phí đất đai. Mong rằng khu đất này sớm được chuyển đổi mục đích sản xuất để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng sản xuất trở lại", ông Chương nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc TT Khuyến nông, đơn vị này phối hợp với Sở Tài chính đang hoàn tất các thủ tục thu hồi Trại nuôi giống thủy sản để bàn giao cho địa phương quản lý. Sau khi hoàn tất bàn giao, chính quyền địa phương mới có thể tìm nhà đầu tư khác để tiếp tục thực hiện dự án hoặc cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trạm kiểm dịch bỏ hoang vì thiếu đường vào

Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu tư xây dựng dự án Trạm kiểm dịch động vật nội địa (gọi tắt Trạm kiểm dịch) tại một khu đất nằm cạnh QL1 ở TX.Hồng Lĩnh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 8 tỉ đồng, trích từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác. Dự án ban đầu do Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, nhưng đến năm 2018 thì chuyển giao cho Ban quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh (Ban quản lý) làm chủ đầu tư, thực hiện.

Trại giống thủy sản và trạm kiểm dịch 'đắp chiếu'- Ảnh 2.

Trạm kiểm dịch động vật xây xong rồi bỏ hoang vì thiếu đường vào

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Công trình Trạm kiểm dịch được ngành chức năng đánh giá có ý nghĩa quan trọng cho ngành thú y của tỉnh Hà Tĩnh. Bởi lâu nay, Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh) phải mượn một nhà dân cạnh QL1 ở TX.Hồng Lĩnh để làm trạm kiểm dịch vì chưa có trụ sở. Đến tháng 9.2021, sau 6 năm triển khai thi công thì trụ sở Trạm kiểm dịch được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000 m2 cũng hoàn thành. Công trình có những hạng mục chính như: nhà làm việc 2 tầng, nhà nhốt động vật, lò tiêu hủy...

Tuy nhiên, khi chủ đầu tư tiến hành bàn giao cho Chi cục Chăn nuôi và thú y thì đơn vị này từ chối tiếp nhận vì cho rằng chủ đầu tư chưa làm đường vào. Do đó, các cán bộ tại Trạm kiểm dịch vẫn đang phải thực hiện nhiệm vụ hằng ngày tại ngôi nhà mượn của người dân. Trong khi đó, Trạm kiểm dịch được đầu tư tiền tỉ bỏ không, cây cối và cỏ dại mọc um tùm bên trong.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, cho hay đơn vị chưa đồng ý tiếp nhận trụ sở làm việc mới là do trong quá trình xây dựng chủ đầu tư không tính đến việc làm đường ra vào đấu nối với QL1. "UBND tỉnh đang giao Sở KH-ĐT chủ trì cùng với chủ đầu tư tham mưu hướng xử lý", ông Hùng thông tin.

Theo một lãnh đạo Ban quản lý, thời điểm Sở NN-PTNT tỉnh lập dự án đã không tính đến việc làm đường gom đấu nối với QL1 để ra vào. Do đó, khi công trình hoàn thành thì việc làm đường gom đấu nối gặp khó khăn vì Cục Đường bộ VN chưa đồng ý.

"Dự án này chỉ xây dựng trụ sở trạm kiểm dịch chứ trong thiết kế không có đường gom. Muốn xây dựng đường gom phải cần hơn 30 tỉ đồng, nếu chỉ để phục vụ cho trạm đó thì không thể. Hiện tại các sở ngành liên quan đang tham mưu cho tỉnh tìm phương án tháo gỡ", vị này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.