Những người Việt đã và đang có mặt tại Nepal tiếp tục chia sẻ với Thanh Niên tình cảnh tang thương, khốn khó tại Nepal sau thảm họa động đất.
Nạn nhân động đất vạ vật trong các lán trại… - Ảnh: Reuters
|
Ngày 27.4, chị Võ Thị Kim Cương, chủ quán phở Pho 99 tại Jhamsikhel, Kathmandu đã về đến TP.HCM. Tuy nhiên, quán phở vẫn là nơi gia đình chị đang sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người Việt kẹt tại Nepal sau trận động đất 7,8 độ Richter hôm 25.4.
Hoảng loạn và tang tóc
Chị Kim Cương kể với Thanh Niên rằng bộ dạng của mình lúc xuống sân bay Tân Sơn Nhất không khác gì người vô gia cư. Động đất xảy ra quá nhanh và chị bắt chuyến bay về nước sau 2 ngày không thể vào nhà trong lúc tâm trí vẫn chưa thôi ám ảnh vì những gì đã xảy ra.
Khoảng 11 giờ 56 ngày 25.4, chị Kim Cương đang họp với nhân viên trong quán để chuẩn bị đón khách thì mọi thứ bỗng rung chuyển, đồ đạc ngả nghiêng và cả nhà phải tháo chạy ra đường. Chỉ sau 1 phút, cả con đường “như một bãi chiến trường”. Người ngồi trong xe hơi tông cửa chạy, người đi xe máy ngã xuống đất nằm la liệt, một số ngồi xụp xuống đất, một số té xỉu, nôn mửa...
“Không ai phòng bị gì hết vì không có cảnh báo. Một trường đại học gần đó sinh viên vẫn đi học bình thường. Khi tòa tháp lịch sử (Dharahara) sập xuống, nhiều người tham quan lúc ấy đã thiệt mạng”, chị Kim Cương kể.
Những đợt dư chấn mạnh liên tục sau đó khiến gia đình chị Kim Cương và rất nhiều người khác phải dựng tạm lều trại hoặc quấn chăn ngủ ngoài đường, không dám vào nhà.
Chị Trần Hương đang giữ vai trò giám sát viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), giám sát của giải U.14 nữ châu Á 2015 khu vực Nam và Trung Á, là một trong số những người Việt có mặt tại Nepal vào “thời khắc sinh tử”, chia sẻ với Thanh Niên: “So với 2 hôm trước, mấy giờ qua không còn thấy dư chấn nào nữa. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn rất hỗn độn”.
Theo chị Hương, các bệnh viện đều đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. “Đường sá hư hỏng nặng nề, giao thông luôn trong tình trạng ùn tắc. Hôm qua, trên đường ra sân bay, tôi có đi ngang một bệnh viện và phải mất gần nửa giờ mới có thể thoát được. Nơi đó chật kín người. Nạn nhân nằm la liệt phía trong và tràn cả ra ngoài hành lang. Số nạn nhân được chuyển đến mỗi lúc một nhiều, tiếng rên la thật thảm thiết”, chị Hương kể.
… hoặc phải nằm ngay ngoài đường - Ảnh: Kim Cương cung cấp
|
Kẹt cứng tại Kathmandu
Trận động đất mạnh nhất tại Nepal trong 81 năm đã mang lại cú sốc lớn cho đất nước nổi tiếng yên bình này. Người nước ngoài lũ lượt đến sân bay quốc tế ở Kathmandu để về nước, dẫn đến tình trạng quá tải kinh hoàng. “Tôi thấy khoảng 5.000 đến 10.000 người ở chỗ này. Thay vì xếp hàng mua vé, họ chen lấn, xô đẩy nhau. Cánh cửa kéo ở sân bay sau đó bị sập do người ta cố đẩy vào, thậm chí có nhiều người leo trèo để vào được bên trong”, chị Kim Cương kể và cho biết thêm là mình phải về VN để lo công việc nên mới chuẩn bị vé trước và được đi. Cả gia đình chị vẫn còn kẹt tại Nepal.
Không chỉ chen lấn bên trong, khu vực ngoài sân bay quốc tế Kathmandu trở thành nơi tá túc của nhiều người đang vật vã đợi ngày về. “Tôi gặp rất đông những người giống khách du lịch phương Tây ngủ bên ngoài cạnh sân bay. Họ cho biết đã đặt vé, dù một tuần nữa mới được về nhưng đành phải nằm đợi ở đây”, chị Kim Cương nói.
Trong đêm khuya 26.4, Thanh Niên cũng thường xuyên liên lạc với chị Trần Hương đang chờ tại sân bay Tribhuvan (Kathmandu). “Chờ đợi và chờ đợi... Cả sân bay như trại tị nạn. Mọi người cứ mỗi lần thấy máy bay nào đến thì mừng húm như được giải cứu. Người tôi chưa bao giờ bẩn như bây giờ, chưa tắm gội gì từ lúc động đất đến giờ. Chỉ sợ đang tắm mà lại động đất thì chỉ có nước "nhộng" chạy ra đường. Thôi, bẩn tí mà an toàn là được rồi”, chị Hương chia sẻ.
Vật vã thoát khỏi Nepal
15 giờ chiều 27.4, Thanh Niên trao đổi qua điện thoại với chị Lê Kim Chi, 32 tuổi, con gái cố nghệ sĩ Hồng Sơn. Chị Chi cho hay hai vợ chồng cùng những người bạn đang trên đường di chuyển xuống một vùng an toàn khác ở thành phố Pokhara, miền trung Nepal.
Việc liên lạc vô cùng khó khăn khi sóng điện thoại thường xuyên bị ngắt giữa chừng. Theo chị Chi, tình hình ở Pokhara không hỗn loạn như ở thủ đô Kathmandu. Tại đây, nhóm của chị gặp thêm 2 nhóm người Việt khác, cũng là du khách tới Nepal. “Chúng tôi nhập thành một nhóm lớn, giúp đỡ lẫn nhau. Nhân viên khách sạn giúp đỡ nhiệt tình. Chúng tôi mua được lương thực, nước uống, các cửa hàng ăn uống vẫn phục vụ nhưng thưa thớt, rất may mắn chúng tôi có đủ tiền mặt để sử dụng. Sức khỏe của mọi người vẫn ổn, dù mệt mỏi nhưng chúng tôi bình tĩnh trong lúc này”, chị cho biết.
Theo chị, mọi người vẫn chưa thể ra được sân bay vì mọi nguồn lực ở Nepal đang tập trung cho công tác cứu hộ. Chị hy vọng có thể từ 3 đến 5 ngày nữa, mọi người sẽ được thu xếp để rời Nepal. “Trong khoảng 3 ngày nữa việc liên lạc về Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Mạng internet tại đây bắt đầu trục trặc. Tuy nhiên mọi người cứ yên tâm, chúng tôi còn khỏe mạnh, chúng tôi sẽ vẫn giữ liên lạc”, nhà thiết kế trẻ nói.
Hơn 4.100 người chết
Tính đến tối 27.4, số người chết ở Nepal sau thảm họa động đất hôm 25.4 đã tăng lên hơn 4.100 người và 7.500 người bị thương, theo AFP. Số nạn nhân tử vong do dư chấn ở đông bắc Ấn Độ và Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc cũng tăng lên lần lượt là 69 và 25 người. Giới chức cảnh báo số người chết có thể tăng đến 5.000 người do lực lượng cứu hộ vẫn đang đào bới các đống đổ nát và nỗ lực tiếp cận các khu vực hẻo lánh.
Giới chức cho biết vào thời điểm tháp cổ 9 tầng Dharahara, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Kathmandu, bị sập do động đất, khoảng 150 người có mặt trong tháp nhưng chỉ mới tìm thấy 30 thi thể và hơn 20 người bị thương. Hôm qua, giới chức Nepal cũng đã tiến hành hỏa táng hàng trăm thi thể trước sự đau đớn của người thân các nạn nhân.
Cùng ngày, nhiều trực thăng đã được triển khai, đưa tổng cộng khoảng 150 người mắc kẹt tại ngọn núi cao nhất thế giới Everest sau trận lở tuyết do động đất gây ra. Một quan chức du lịch Nepal cho AFP hay khoảng 150 người ở trong các trạm nghỉ của Everest khi lở tuyết xảy ra. Tính đến hôm qua đã có ít nhất 18 người chết và nhiều người bị thương.
Bất chấp sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực từ nhiều nước, công tác cứu trợ đang gặp thách thức lớn khi hàng chục ngàn người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, bệnh viện và trại tị nạn đều quá tải, thuốc men, lương thực đều rất thiếu, còn giao thông vẫn tê liệt. Nguy cơ mưa to, lở tuyết và dư chấn vẫn chực chờ hằng giờ, theo AFP.
Văn Khoa
|
Tình hình công dân VN
Ngày 27.4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết đã xác định được một số nhóm người Việt Nam đã an toàn:
1. Nhóm 6 người gồm: Nguyễn Huệ Phương, Phạm Hồng Yến, Đỗ Như Huệ, Huỳnh Thị Minh Trang, Trung Liên Cương và Vũ Thị Quỳnh Như đang ở tại một doanh trại quân đội trên đường Uttar Dhoka của Kathmandu. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã hỗ trợ nhóm này liên hệ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Kathmandu và dự kiến sẽ sớm đến New Delhi.
2. Nhóm 2 người đi du lịch Lumbini: Trương Bảo Hân, sinh ngày 2.9.1989, hộ chiếu số 250769210 và Phạm Thanh Tùng sinh ngày 28.6.1987, hộ chiếu số 250696241, hiện vẫn an toàn.
3. Nhóm 5 người gồm: Nguyễn Thị Minh Châu, sinh ngày 22.10.1979, hộ chiếu số B2601346; Lợi Hồng Thanh, sinh ngày 25.7.1987, hộ chiếu số B1847791; Đoàn Thị Diễm Chi, sinh ngày 6.3.1985, hộ chiếu số B5876480; Nguyễn Đình Tấn Vũ, sinh ngày 21.8.1991, hộ chiếu số B4186000; Lưu Lê Minh Khải, sinh ngày 7.11.1980, hộ chiếu số B4567229, đã được trực thăng cứu hộ đưa về Đại sứ quán Ấn Độ tại Kathmandu để sớm sang New Delhi trong thời gian sớm nhất.
4. Nhóm 1 sư thầy và 2 sư cô: Nguyễn Thế Nghĩa và Trần Hoàn Anh, hiện đang an toàn tại Kathmandu. Đại sứ quán đang giữ liên lạc chặt chẽ với nhóm này để có các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
5. Nhóm 2 người: Quách Thùy Linh và Trần Hồng Ngọc, vẫn giữ được liên lạc với gia đình và đang ở P-House, Lobuche.
6. Chùa An Việt Nam Phật quốc tự của thầy Thích Huyền Diệu tại Lumbini hiện vẫn an toàn và không hư hại gì.
Những nhóm hiện đang tiếp tục xác định hiện trạng gồm:
1. Nhóm 5 người: Nguyễn Hà Cẩm Tú, sinh ngày 4.11.1980, hộ chiếu số B6396747, du lịch theo tour, lần liên lạc gần nhất vào ngày 22.4; Đoàn Ngọc Tiến, hộ chiếu số B6919607, du lịch theo tour của Công ty Annapurna Circuit Trek; Nguyễn Hồ Huyền Trinh, Cao Thị Hồng Nhung và Huỳnh Quốc Huy đi theo tour của AIG.
2. Nguyễn Phương Thanh và Nguyễn Mạnh Linh, đi du lịch tại Nepal và nghỉ tại Blue Mountain Homestay.
3. Vợ chồng anh Phạm Duy Khánh và Nguyễn Thị Thanh Mai, sinh sống tại Kathmandu gần 2 năm.
Đại sứ quán đề nghị các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc có thông tin về công dân Việt Nam liên hệ qua các đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484 và +84462844844), hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) để được hỗ trợ.
Trường Sơn - TTXVN
|
Bình luận (0)