Ragnarok Web là phiên bản webgame của "huyền thoại" Ragnarok Online và được công ty Shanghai Junmeng phát triển độc quyền tại thị trường Trung Quốc. Trò chơi tái hiện chân thật bối cảnh quen thuộc của Ragnarok Online với 6 lớp nhân vật kinh điển, 8 hệ thống chủ chốt và hàng ngàn hình tượng quái. Ragnarok Web khá thành công tại một số quốc gia ở châu Á và đã chính thức ra mắt tại Việt Nam từ sáng nay (22.2).
Trong quá khứ, “người tiền nhiệm” Ragnarok Online từng vận hành ở Việt Nam vào năm 2002 – được coi như là người cùng thời với những tên tuổi như MU Online, Con Đường Tơ Lụa,… Chính vì vậy, các phiên bản trên các nền tảng (di động, web,…) của trò chơi này luôn được cộng đồng game thủ Việt đón nhận khá hào hứng, đương nhiên, Ragnarok Web cũng không ngoại lệ.
Trong Ragnarok Web, người chơi sẽ bắt đầu hành trình khám phá thế giới kỳ ảo, kết giao đồng hành, và cùng đón nhận những cuộc khiêu chiến mỗi ngày. Game thủ sẽ vào vai một nhân vật trong cốt truyện thần thoại Bắc Âu mà tiêu điểm chính là Ragnarok - cuộc chiến cuối cùng, nơi kết thúc đồng thời mở ra một thời đại tân sinh cho toàn bộ vũ trụ.
Ragnarok Web gây ấn tượng mạnh với lớp đồ họa cực kỳ cá tính từ phiên bản “nguyên thủy” kết hợp với phong cách Chibi đang khuấy đảo đội ngũ phát triển game trong 2 năm trở lại đây, tạo nên một thế giới thần thoại vừa quen thuộc nhưng cũng đầy mới lạ. Nền tảng đồ họa của Ragnarok Web không hề hào nhoáng như các webgame 3D tiên hiệp-thần ma, nhưng vẫn đủ để cảm nhận được “chất huyền thoại” trong các khung hình quen thuộc.
Có thể nói, điểm ấn tượng nhất của Ragnarok Web chính là ở việc giữ được những giá trị mang tính truyền thống của dòng game nhập vai thời kỳ đầu. Tiêu biểu trong số đó phải kể tới hệ thống chuyển nghề - nhân vật phải đạt được tới cấp độ nhất định mới có thể gia nhập các lớp nghề/môn phái trong game.
Mỗi lớp nhân vật/nghề nghiệp trong game không chỉ sở hữu hệ thống kỹ năng riêng biệt, mà còn chia ra các thuộc tính quái vật và thuộc tính kỹ năng, mang đến sự tương khắc giữa các nhân vật với nhau. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối điểm thuộc tính (tương tự MU Online) hay cây kỹ năng buộc người chơi phải tính toán nâng cấp chứ không phải “nhắm mắt nâng bừa”/tự động nâng như phần lớn các webgame hiện nay.
Ngoài ra, nhịp độ trong game khá chậm rãi để game thủ có thể khám phá thế giới Ragnarok, tuy nhiên vô hình chung, điều này lại gây khá nhiều khó dễ cho game thủ Việt vốn quen “auto tận răng” và cày cấp 'vù vù'. Đây cũng là lý do khiến cho trong ngày đầu mở cửa, Ragnarok Web khó thu hút được lượng đông game thủ tham gia.
Phương diện tương tác cộng đồng cũng là một điểm sáng rất đáng nhắc tới của webgame có phần “hoài cổ” này. Game thủ có thể tự do kết bạn, lập Guild, kết hôn,… và biến trò chơi thành một xã hội thu nhỏ. Bên cạnh đó, các tính năng PvP, PK cũng được phát triển khá hoàn thiện.
Tất nhiên, bất cứ một sản phẩm nào cũng sẽ có những điểm trừ khó tránh. Ở Ragnarok Web, đó chính là việc dù chỉ là một webgame 2D đơn giản, nhưng trò chơi lại tỏ ra khá lag (dù không đông người chơi). Mỗi khi chuyển cảnh/chuyển bản đồ, game thủ thường phải chờ từ 5-7 giây thì giao diện game mới hiện ra hoàn toàn.
Tình trạng nhòe màn hình thường xuyên xảy ra
Nhạc nền có phần hơi “nhức đầu” và chuyển động thô cứng của các nhân vật cũng là điểm trừ tiếp theo mà Ragnarok Web khó lòng “bắt kịp thời đại”. Dẫu biết những giá trị cổ điển nên được cân nhắc lưu giữ, tuy nhiên, chuyển động gượng gạo như tượng gỗ của dòng game Ragnarok hơn 10 năm qua vốn đã không còn hợp thời, nhất là trong bối cảnh lớp game thủ ngày nào nay đã đều trưởng thành, và lớp game thủ thời đại mới thì chắc chắn không thích điều này.
Có thể nói, Ragnarok Web đã lưu giữ được khá nhiều giá trị cốt lõi cùng hoài niệm của cộng đồng game thủ về thời kỳ hoàng kim của Ragnarok Online tại Việt Nam, tuy nhiên quãng thời gian 15 năm có lẽ là đủ dài để cho bất cứ “huyền thoại” nào cũng phải tự thay đổi và làm mới mình – đây cũng chính là điều mà webgame này chưa đạt được.
Bình luận (0)