Trải nghiệm vùng quê

28/06/2013 09:47 GMT+7

Các vệ tinh du lịch xung quanh 2 “hạt nhân” đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn đã tạo thêm lựa chọn cho du khách khi đến Quảng Nam để cùng trải nghiệm đời sống văn hóa vùng quê thông qua dịch vụ lưu trú tại nhà dân.

Trải nghiệm vùng quê

Góc nhìn đẹp từ điểm dừng chân tại nhà dừa độc đáo của ông Phan Mốt ở Cẩm Thanh - Hội An - ảnh: H.X.H

“Tập sự” đón khách

“Xin chào! Welcome to Mỹ Sơn, Việt Nam! I’m Bé, 49 years old and my husband is Đại, 51 years old...”. Tờ giấy viết bằng tiếng Anh đặt tại phòng cho thuê của gia đình ông bà Võ Hữu Đại - Nguyễn Thị Bé ở Mỹ Sơn không đầy đủ chi tiết bằng bảng tiếng Việt in ở trang giấy khổ A4 thứ hai. Ngoài tên họ ghi đầy đủ, họ còn liệt kê: “Nhà ni được xây dựng năm 1992, gồm 3 gian, gian giữa thờ cúng ông bà và là nơi tiếp khách, hai bên là phòng ngủ. Nhà ăn và nhà bếp bên trái. Phía sau là chuồng gà, phía trước là sân phơi...”.  Nằm ngay ở cửa ngõ vào khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, làng du lịch cộng đồng mà gia đình bà Nguyễn Thị Bé tham gia mới thử nghiệm ở 5 hộ dân làm dịch vụ homestay (lưu trú cùng nhà dân), có bảng chỉ dẫn rất ấn tượng từ đường rẽ vào. Nơi đây cách phố cổ Hội An 45 phút đi ô tô và 90 phút tính từ sân bay Đà Nẵng.

Khi rời phòng trọ theo mô hình lưu trú ở nhà dân này, chúng tôi trả chi phí 150.000 đồng/đêm. Cởi trần, ông Đại vừa dỗ đứa cháu nội vừa mời khách: “Trưa nay nhà chú làm đám giỗ, con vô thăm Mỹ Sơn xong rồi quay ra uống với gia đình chú ly rượu nghe!”. Có lẽ đây là “cảm giác gia đình” mà bất cứ du khách nào sử dụng dịch vụ homestay đều muốn trải nghiệm. Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam hy vọng mỗi năm chỉ cần 5% trong tổng số 300.000 du khách đến Mỹ Sơn ra khu vực homestay này lưu trú là đủ tạo sinh kế cho người dân, từ đó người dân có điều kiện quay lại bảo vệ di tích. Hiện ngành du lịch Quảng Nam đang xúc tiến mở rộng số lượng hộ dân tham gia với đơn đặt hàng đa dạng hơn: cung ứng nông sản, cho thuê xe đạp, chèo thuyền kazak trên hồ Bàn Thạch...

Homestay chuyên nghiệp

Trong khi đó, ở khu vực đô thị cổ Hội An, homestay ở ngoại vi đã hình thành sớm hơn, từ năm 2005, bây giờ nâng lên khoảng 50 địa điểm. Cơ ngơi của khu Vườn Trầu villa (161 Trần Nhân Tông, TP.Hội An) thật bề thế. Đây là địa chỉ homestay đầu tiên của Hội An, nhưng giờ nghiêng về mô hình family resort dù ông chủ Nguyễn Văn Hát khẳng định 1/3 số phòng vẫn hoạt động như mô hình cũ, cung cách phục vụ vẫn thân thiện như homestay. Với chi phí 50USD/phòng gồm ăn sáng và các dịch vụ như dạy nấu ăn, Vườn Trầu villa đón khoảng 300 khách mỗi năm. “Khách du lịch họ thích lắm, vì được dạt ra phía vùng quê”, chủ nhân Vườn Trầu villa nói. Trong chuyến famtrip xuống Cẩm Thanh tổ chức tại dịp Festival di sản Quảng Nam lần thứ 5, chúng tôi chứng kiến cảnh một số thành viên trong đoàn “chất vấn” ông Phan Mốt, chủ nhân ngôi nhà dừa độc đáo ở thôn Thanh Tâm Đông về lý do vì sao… không chịu mở dịch vụ homestay đón khách. “Nhà của anh rất đẹp và lạ, có không gian tốt, góc nhìn tốt. Chí ít cũng mở được dịch vụ nghỉ trưa chứ?”, một thành viên đoàn famtrip hỏi. Ông Mốt thật tình cho hay, các điều kiện hiện tại (về dịch vụ vệ sinh, ăn uống...) không cho phép làm homestay, nhưng sẽ nghĩ lại. Nhà của ông Mốt được thiết kế là điểm dừng chân trong tour “Khám phá làng quê Cẩm Thanh” bằng xe đạp. Ông dựng ngôi nhà này chủ yếu bằng dừa và tre, tốn 600 ngày công để hoàn thành với tổng chi phí 500 triệu đồng. Ngay phía sau nhà là chỗ nghỉ ngơi lý tưởng vì sát mé sông xanh ngát dừa nước... Hiện tại điểm dừng này chỉ bán hàng lưu niệm, nước uống chứ không thu phí dịch vụ, nhưng xem ra rất chuyên nghiệp và nhiều triển vọng.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.