'Trai nước Nam làm gì?' sau 73 năm

09/10/2016 07:00 GMT+7

Sau 73 năm, cuốn Trai nước Nam làm gì? được tái bản, nhắc đến câu hỏi trai nước Nam đã thực sự có chí và có trí hay chưa.

GS-KTS Hoàng Đạo Kính, con trai cụ Hoàng Đạo Thúy, đã nói về cuốn sách của cha qua những hồi ức cũ trong cuộc tọa đàm giới thiệu cuốn sách Trai nước Nam làm gì? sáng 8.10 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Cuốn sách ra đời năm 1943, được nhiều thanh niên trí thức và hướng đạo sinh đọc.
Bìa sách Trai nước Nam làm gì? mới tái bản ẢNH: T.N
“Sách cũng được tiến cử để nhận giải thưởng Alexandre de Rhodes của Toàn quyền Đông Dương. Lúc ấy lương công chức 20 - 30 quan/tháng thì giải thưởng là 2.300 quan. Bố tôi kể cụ từ chối nhận giải thưởng vì nếu nhận coi như đã xóa đi toàn bộ giá trị cuốn sách này rồi. Cuốn sách kêu gọi lòng yêu nước”, ông Kính nói. Cũng theo ông Kính, nếp sống của một hướng đạo sinh như đọc sách, mỗi sáng tập thể dục vẫn tiếp tục được cụ Hoàng Đạo Thúy duy trì cho tới khi mất.
Có nhiều điều được nói trong sách. Có mục nói về tình thế bây giờ, ở đó cụ Hoàng Đạo Thúy cảnh báo về một “Thế giới đã ốm rồi”. “Ốm tinh thần, mà cái xác lại nuôi rặt đồ cao lương thì bệnh khó gỡ đấy”. Trong khi đó nhiều người, theo cụ, lại “Quay cuồng cả, vì danh làm mê, vì lợi làm mê, vì của ngon vật lạ làm mê. Bệnh điên rồi”. Cụ Hoàng Đạo Thúy viết về những điều cần chừa như xa hoa, cờ bạc, trai gái, thuốc phiện. Cụ cũng viết về những điều cần nhớ như tổ tiên, nhà, làng. Cụ nhắc thanh niên sống có mục đích: khỏe, chịu khổ, trong sạch, đức nghèo - giàu, hiểu rõ yêu ghét, sống phấn đấu... “Văn minh vật chất chỉ mạnh nuôi cho lòng dục, mà lòng dục đã tha hồ tung hoành thì dẹp được nó không phải là việc dễ”, cụ viết.
TS Đặng Hoàng Giang, người viết lời giới thiệu sách, cho rằng cuốn sách này rất lạ. Nó không có chữ nào nói về thực dân Pháp, cũng chẳng một từ nào nói đến chính trị. “Cụ nói ở đây chủ yếu là tu thân. Chúng ta lo sức khỏe bền bỉ. Hướng đạo sinh cũng hướng tới chuyện sống chung với thiên nhiên. Rồi có chí, không bỏ cuộc, đọc sách, tập tâm hồn. Đó là triết lý cơ bản. Bất cứ bạn muốn gì, thay đổi gì, cái bắt đầu phải là tu thân đã, để có thể đi được lâu, đi được xa, đi được dài không mệt không chán, không mất niềm tin…”, ông Giang chia sẻ.
Tại tọa đàm, một độc giả nữ cho biết việc đọc cuốn sách khiến cô nghĩ làm thế nào để gắn kết thanh niên trí thức ở thành thị với thanh niên ở các vùng khác ít điều kiện hơn. “Chúng ta tự cho mình là nhóm cấp tiến và cho các nhóm khác ở nông thôn là thấp kém, bỏ rơi họ trong quá trình phát triển. Làm thế nào để gắn kết các nhóm để mọi người đều tốt lên”, cô nói. Về điều này, TS Giang cho rằng việc kết nối bạn bè, coi trọng tình bằng hữu cũng là giá trị mà cụ Hoàng Đạo Thúy nói đến trong sách.
Thông tin tại tọa đàm cũng cho biết, hiện tại đã có ý kiến trên mạng xã hội đề nghị gây quỹ cộng đồng (cround funding) để tặng 1.000 bản sách này cho các nam thanh niên.
Sách Trai nước Nam làm gì? do NXB Hà Nội và Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam vừa tái bản.
Bên lề tọa đàm, nhà văn bản học Lại Nguyên Ân nói những năm 1940 có một xu hướng là quay lại truyền thống, sau khi đã có phong trào Âu hóa những năm 1930. Xu hướng này nổi lên mạnh trong văn hóa, cổ vũ các giá trị phương Đông trên nền những hiểu biết tri thức đã cập nhật với phương Tây. Cuốn sách này, theo ông Ân, cũng nằm trong xu hướng đó. “Người ta chú ý hơn giáo dục gia đình, lý tưởng. Phong trào hướng đạo sinh cũng rót vào đấy nghĩa vụ của thanh niên, có cả trách nhiệm với Tổ quốc nữa, tạo thành xu hướng đề cao trách nhiệm với dân tộc, gia đình, đất nước rất rõ”, ông Ân nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.