Trái phiếu doanh nghiệp 'cởi trói' vẫn không dễ

Mai Phương
Mai Phương
11/03/2019 06:01 GMT+7

Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không bắt buộc phải có lãi năm liền kề trước đó là điểm mới mang tính “cởi trói” cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp, chính thức có hiệu lực từ tháng 2 năm nay.

Huy động hàng ngàn tỉ đồng từ trái phiếu

Theo quy định trước đây, các doanh nghiệp (DN) muốn phát hành trái phiếu (TP) phải có lãi năm liền kề trước đó. Điều này khiến một số DN muốn huy động vốn cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ không thực hiện được. Nay Nghị định 163/2018 cho phép DN được phát hành TP để thực hiện dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoặc cơ cấu lại các khoản nợ. Đồng thời DN có thể phát hành TP thành nhiều đợt, điều này tạo thêm điều kiện cho các công ty có thể huy động vốn phù hợp với các dự án đầu tư của mình. Tuy nhiên nghị định mới cũng siết chặt hơn về việc công bố thông tin của DN phát hành TP để bảo vệ các nhà đầu tư, tăng sự minh bạch trên thị trường tài chính VN.
Để phát triển thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp, Chính phủ cần xem xét giảm dần việc phát hành lượng trái phiếu hằng năm. Bên cạnh đó, xem xét một số quy định khác như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân cho các đơn vị và nhà đầu tư tham gia mua...
 
Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN
Ngay khi Nghị định 163 có hiệu lực, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi văn bản cho các DN bất động sản với nội dung khuyến nghị nên quan tâm phương thức phát hành TP. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, TP DN đang ngày càng thu hút sự quan tâm. Phương án này sẽ góp phần làm đa dạng hóa các nguồn vốn và giảm bớt dần sự lệ thuộc vào ngân hàng.
Trong thời gian qua, nhiều DN bất động sản đã phát hành thành công TP DN như Novaland, TTC Land, TNR, Vinhomes... với số tiền lớn hàng ngàn tỉ đồng. Ví dụ cuối năm vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã công bố phát hành 2.000 tỉ đồng TP ra công chúng có kỳ hạn 2 năm với lãi suất năm đầu tiên là 10%/năm. Hay các thương vụ đáng chú ý khác là Pan Group huy động được 1.135 tỉ đồng TP kỳ hạn 5 năm với lãi suất 6,8%/năm; Novaland huy động được 160 triệu USD từ việc phát hành TP chuyển đổi quốc tế và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Mới đây, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) công bố phương án phát hành 2.320 tỉ đồng TP với mệnh giá 1 tỉ đồng/TP và có kỳ hạn 10 năm. Lãi suất của TP này tối đa 7,3%/năm và trả mỗi 6 tháng/lần…

Nên giảm lượng trái phiếu Chính phủ phát hành

TP được đánh giá là hình thức huy động vốn thuận lợi hơn như đa dạng hóa nhà đầu tư, giải ngân một lần với giá trị lớn và các điều kiện phát hành khá linh hoạt. Bên cạnh đó, đây là giải pháp hữu hiệu, nhất là đối với các đơn vị "hết room" vay vốn ngân hàng hoặc cần vốn cho các dự án dài hơi.
Tuy nhiên, tỷ lệ DN phát hành TP vẫn rất nhỏ. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dựa trên số liệu của Bloomberg và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến quý 3/2018, VN có 41 tổ chức phát hành TP DN, chiếm tỷ lệ không đáng kể nếu so với hơn 600.000 DN đang hoạt động và hơn 1.400 DN đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Các đơn vị phát hành TP DN thành công thời gian qua chủ yếu vẫn là các ngân hàng, các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan hay các công ty bất động sản. Dù nghị định mới đã cởi trói một số điều kiện nhưng các DN quy mô nhỏ vẫn không dễ thành công huy động vốn bằng TP.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, nhận định: Hiện số lượng TP do DN phát hành vẫn rất nhỏ, trái ngược với khối lượng do Chính phủ phát hành mỗi năm. Đứng ở góc độ người mua thì TP Chính phủ hấp dẫn hơn vì mức độ an toàn cao hơn nhiều so với TP của DN. Hoặc gửi tiết kiệm cũng đang cạnh tranh khá lớn do độ rủi ro rất thấp. Vì vậy chỉ một số ít công ty lớn có uy tín, có dự án tốt mới có thể huy động vốn được qua kênh TP. Ông Hải cho rằng: “Để phát triển thị trường TP của các DN, Chính phủ cần xem xét giảm dần việc phát hành lượng TP hằng năm. Bên cạnh đó, xem xét một số quy định khác như giảm thuế thu nhập DN hay thuế thu nhập cá nhân cho các đơn vị và nhà đầu tư tham gia mua TP, tương tự như tiền lãi gửi tiết kiệm không phải chịu thuế”.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng quan trọng nhất là phải có cơ chế giám sát trong thị trường. Đặc biệt, cần phải có tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập về đơn vị phát hành cũng như từ đó sẽ phân loại TP để nhà đầu tư dễ lựa chọn. Làm như vậy mới nâng được uy tín của các DN và thu hút được nhà đầu tư trong ngoài nước tham gia mua TP. Bởi hiện nay, một số DN phát hành TP không có tài sản đảm bảo thì các nhà đầu tư sẽ lo ngại và không bỏ tiền đầu tư mà chọn gửi tiết kiệm hoặc mua TP chính phủ vì tính an toàn cao hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.