Triển lãm Trái tim rộng mở giới thiệu 15 bức tranh do các em nhỏ mắc chứng tự kỷ vẽ sẽ được tổ chức từ 2 - 4.6 tại khách sạn Pan Pacific Hà Nội. Triển lãm do Pan Pacific Hà Nội cùng bác sĩ Đỗ Thúy Nga, người sáng lập Trung tâm Hy vọng (nuôi dạy trẻ tự kỷ), và họa sĩ Đinh Công Đạt thực hiện nhằm mang "tiếng nói" của trẻ tự kỷ đến gần hơn với cộng đồng.
Ông Đinh Công Đạt, người "dạy vẽ" cho các em, chia sẻ: "Nói dạy vẽ thì không đúng. Đó là mình chơi với trẻ con, chia sẻ niềm vui vẽ của mình với trẻ". Trong quá trình này, ông phải thuộc tính tình từng bạn nhỏ tự kỷ với nhiều cách giao tiếp khác nhau. Có bạn không nói, chỉ ra ký hiệu; có bạn lại đọc tên màu bằng tiếng Anh, nếu gọi "nu" có nghĩa là blue - màu xanh dương, "lâu" là yellow - màu vàng.
Không phải em nào cũng ngồi vẽ được lâu và ông Đạt phải đoán điều đó. "Khi chúng tôi vẽ, các bạn ấy vui. Nhưng bạn nào vui lâu nhất cũng chỉ 30 phút, còn thì 10 - 15 phút là dừng, mình phải đoán được điểm ngưỡng đó. Mình không chỉ chơi, chia sẻ niềm vui mà phải hiểu niềm vui của các bạn ấy", ông chia sẻ.
Vì thế, trò chơi vẽ với các em tự kỷ như một cuộc tiếp sức. "Mỗi em ngồi trước một tấm toan, nhưng ngồi thay phiên nhau. Nếu bảo bức này do ai vẽ thì không biết đâu. Mỗi em cầm bút có màu nhất định rồi tô, màu do tôi lấy, liên tục như vậy", họa sĩ cho biết. Trong quá trình đổi màu đó, có em ông tự đưa bút ra, có em ông phải hỏi có muốn đổi màu không, nếu bạn nhỏ không phản đối nghĩa là đồng ý. Những tác phẩm của trẻ tự kỷ ở Trung tâm Hy vọng có nhiều màu xanh. Theo họa sĩ, đây là một màu mạnh, khi xuất hiện trên tranh sẽ gây hiệu ứng thị giác tốt.
CÁCH YÊU THƯƠNG ĐẸP ĐẼ NHẤT
Trẻ tự kỷ thường khó giao tiếp. Chúng ta có thể dùng nghệ thuật như một cách bày tỏ yêu thương và giao tiếp với các em. Nó cũng làm các em được bình đẳng tiếp xúc với nghệ thuật như mọi trẻ em khác. Một trong những cách yêu thương đẹp đẽ nhất có lẽ là cùng các em hoạt động nghệ thuật, trong đó có hội họa, âm nhạc…
Những triển lãm của trẻ tự kỷ đã được tổ chức nhiều lần. Cá nhân tôi cũng 3 lần tổ chức triển lãm tranh, tượng của trẻ tự kỷ ở Hà Nội. Bản thân số lượng triển lãm chứng tỏ nó có ý nghĩa thế nào, có lợi cho sức khỏe của các em thế nào, các nhà tổ chức mới làm nhiều như thế.
Họa sĩ Lê Thiết Cương
Bác sĩ Đỗ Thúy Nga tổ chức nhiều lớp học vẽ đặc biệt dành cho các em như vậy. "Chúng tôi chỉ muốn mọi người đừng quên các bạn ấy. Sợ nhất là trung tâm thành vô hình, các bạn ấy vô hình… Chúng tôi muốn nhắc các bạn ấy vẫn ở đó đó, đừng giả vờ như các bạn tự kỷ không tồn tại", ông Đạt nói.
Tác phẩm của các em dự kiến sẽ được đấu giá để gây quỹ Trái tim rộng mở. Bên cạnh đó, nhằm gây thêm quỹ cũng như kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ, xuyên suốt sự kiện, triển lãm cũng trưng bày 4 tác phẩm Hoa trên giấy dó của họa sĩ Đinh Công Đạt và tác phẩm Mèo trên đĩa sơn mài của họa sĩ Đinh Quân.
Bình luận (0)