(iHay) Là cư dân Quảng Ninh chính gốc, nhưng đến năm 24 tuổi mới đặt chân đến đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Tôi đã biết trái tim mình bỏ quên mất tại nơi này.
>> Về Quảng Ninh tìm ăn bánh gật gù
|
Trời se lạnh, ngồi trên chuyến tàu cao tốc trên biển, tôi chìm vào giấc ngủ dễ dàng. Mở mắt dậy đã thấy bao la trời nước, Quan Lạn hiện lên rõ dần với những dải cát trắng và những rặng phi lao ngút ngàn. Vẫn chưa thấy mái nhà nào hiện lên trong lớp sương bàng bạc. Hoang sơ quá.
Những chiếc xe lam (còn được gọi là xe túc túc) đón chúng tôi ngay từ cảng tàu. Xe tính theo chặng, mất 30.000 đồng mỗi người từ cảng tàu vào làng, xe cũng có bảng giá riêng nếu muốn thuê cả một chiếc túc túc phục vụ bạn đi thăm thú khắp hòn đảo thơ mộng này.
|
Trong ánh nắng nhàn nhạt của sáng đầu hè, tôi chỉ thấy Quan Lạn có hai màu xanh và trắng. Xanh của cỏ, mơn man trên những bãi đất trắng thoai thoải. Xanh của phi lao, thứ cây tuyệt nhiên sống rắn rỏi, mạnh mẽ bất chấp bão tố.
Trắng của cát. Cát ở ven biển. Cát ở chân đồi. Cát ở sau nhà, cát ngay ở trên những lối đi. Mịn. Mềm. Dăm cây xương rồng len lỏi trong những đụn cát. Hoang hoải những nỗi buồn vu vơ.
|
Chúng tôi thấy cả những cánh rừng ngập mặn dọc theo lối đi từ cảng vào làng, thấy cây sú, mắm. Thấy ở một dải đất khác, người dân cũng trồng lúa, dùng trâu bò làm sức kéo. Trên những cánh đồng cỏ thoai thoải như trong thước phim ngày thơ bé Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, những con bò nhẩn nha gặm cỏ, thằng bé đen nhẻm cầm chiếc gậy tre lùa lơ đãng một con bò chậm chạp. Mái nhà liêu xiêu sau lưng như một đường viền đậm cho bức tranh thêm phần sắc nét.
Túc túc chở chúng tôi vào làng để từ đó chúng tôi nhẩn nha khắp các con đường đã được bê tông hóa nơi đây. Nhà cửa san sát nhau, hàng hóa chẳng thiếu thứ gì. Người dân làm du lịch nên nhanh nhẹn, cởi mở, giọng nói địa phương toát lên một sự chân thành.
|
Chúng tôi đến đình cổ làng Quan Lạn, thăm chợ, ngồi không muốn rời bên những quán bán ốc, sò và nhiều hải sản tươi roi rói bán ngay trên đảo.
Bạn có thể ăn món sò nhiều lần nhưng tôi có thể cam đoan rằng, sò Quan Lạn là thứ hải sản ngon khác biệt và đặc biệt. Con sò to, nướng trên bếp than hồng thấy xèo xèo nước thơm, khen khét lớp vỏ cháy. Hai mảnh vỏ tách đôi một phần nhân ngọt lừ, chấm tương ớt ăn nóng ngon quên trời đất.
Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi chỉ cách biển chưa đầy 10 phút xe chạy. Những tiếng sóng tự nhiên đã thành tiếng hát ru, lời vỗ về, tiếng khen ngợi mỗi khi cảm thấy chợt cô đơn. Ấy thế mà vẫn choáng váng khi ra đến Quan Lạn. Đứng trước biển.
Nước xanh. Cát trắng, mịn, trải dài thương nhớ. Biển hoang sơ cuốn theo những đám rong mơ còn tươi rói, mỡ màng, cầm lên tay có cảm giác ngon lành như nhấc những chùm nho sai quả.
Những đứa trẻ con ở trần đuổi bắt nhau dọc biển. Những con chó hiền lành thẩn tha theo lũ trẻ, thi thoảng đuổi bắt một cành củi khô. Gió thổi những hạt cát tung lên, trắng mờ ảo phía xa. Đám phi lao xanh làm nền cho bức tranh bỗng nhiên bí ẩn. Tiếng cười lanh lảnh. Chúng tôi đếm những chiếc vỏ chai thủy tinh dạt vào ven biển, tưởng mình còn bé để đi tìm những lá thư chuyển từ nơi xa lắm.
|
Tôi hỏi một người dân Quan Lạn, nguồn gốc tên đảo, ông cụ bảo nhiều người cho rằng trước đây các quan ra đảo lánh nạn, người dân đọc chệch là Quan Lạn. Nhưng cũng có người cho rằng, tên gốc của đảo phải là Quang Lạn, hòn đảo kế cận là Quang Châu (bây giờ là đảo Minh Châu), ý nói nơi ánh sáng bốn phương hội tụ.
Tôi thích hiểu theo nghĩa thứ 2 hơn. Mà bây giờ, Quan Lạn hay Minh Châu cũng đang sáng dần lên thật rồi. Người dân khấm khá. Đường xá được sửa sang. Dân trí phát triển. Chính ở hòn đảo này, có nhiều vị “chúa đảo” với những dự án làm cát thủy tinh, kinh doanh tàu cao tốc, hay quản lý những resort, khu nghỉ dưỡng hạng sang trên đảo khiến người ta phải ngỡ ngàng.
|
Đến trước Tết Nguyên đán 2015 này, dự án phủ sóng điện lưới trên toàn Quan Lạn và 4 xã đảo cuối cùng ở Vân Đồn chưa có điện sẽ hoàn thành, giá nhà nghỉ, khách sạn trên đảo chắc chắn sẽ giảm, nhiều hạ tầng khác cho mảnh đất tươi sáng này sẽ còn khang trang hơn nữa.
Dù sao, đó cũng là mối lo, tôi sợ mất đi một Quan Lạn nửa hoang sơ, nửa sầm uất, một Quan Lạn vừa cổ kính lại vừa hiện đại.
Đêm trăng, biển Quan Lạn rì rào những lời ca không rõ. Chúng tôi ngồi im lặng, bàn tay vụng về giấu trong ánh trăng, cùng nhìn ra phía biển, cùng nghe từ xa ánh lửa trại bập bùng. Tôi biết từ giây phút ấy, Quan Lạn đã chôn giấu mất trái tim mình...
Phượt ký của Thúy Hằng
>> Đậm đà riêu hà Quảng Ninh
>> Đặc sản' cá lưới cước ở Hạ Long
>> Hải sản vỉa hè Hạ Long ngon quên đường về
Bình luận (0)