‘Trái tim’ trường học

25/02/2014 03:00 GMT+7

Lễ tiếp nhận thư viện do Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tài trợ thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) không chỉ là ngày hội của thầy trò Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) sáng qua (24.2), mà còn là dịp để ngành giáo dục và những người tâm huyết với sự nghiệp này nhìn xa hơn về văn hóa đọc.

Lễ tiếp nhận thư viện do Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tài trợ thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) không chỉ là ngày hội của thầy trò Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) sáng qua (24.2), mà còn là dịp để ngành giáo dục và những người tâm huyết với sự nghiệp này nhìn xa hơn về văn hóa đọc.

Những năm gần đây, hiếm có sự kiện nào ở trường tiểu học thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các ngành các cấp từ T.Ư đến địa phương như vậy. Ngoài việc gửi lẵng hoa chúc mừng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng hẹn sẽ sớm về thăm “thư viện mơ ước” của trường. Trong buổi lễ, nhiều người cũng nhắc tới công lao của phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với tư cách là một thành viên EDF đã tích cực nỗ lực cho sự ra đời của dự án “Thư viện - trái tim nhà trường” nhằm hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chủ động từ phía người học; góp phần hình thành văn hóa đọc và thói quen tự học, tự nghiên cứu, chủ động và sáng tạo cho học sinh. Và công trình trị giá hơn 1,8 tỉ đồng do ACB tài trợ được bàn giao cho Trường tiểu học Lạc Long Quân chính là “thư viện mẫu”. Tổng diện tích hơn 232 m2, gần gấp 4 lần thư viện cũ của trường, “thư viện mẫu” được thiết kế và trang bị đúng chuẩn hiện đại, có các khu chức năng chứa sách, đọc sách, sinh hoạt bổ trợ... phục vụ cho gần 1.500 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Trên thực tế, trong các loại hình thư viện, từ Thư viện quốc gia, Thư viện chuyên ngành, Thư viện công cộng… thì thư viện trường tiểu học thực sự là nơi tiếp xúc đầu tiên của trẻ em với thư viện và văn hóa đọc. Chính vì vậy yêu cầu phải có thư viện đạt chuẩn về chất lượng phòng đọc, về số đầu sách và các loại sách, về thủ thư... đã trở thành một trong những tiêu chuẩn để Bộ GD-ĐT công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, việc “mở rộng phổ cập đọc sách” lâu nay hầu như ai cũng biết và cũng hiểu tầm quan trọng chứ không riêng những người làm công tác giáo dục. Trên địa bàn TP.HCM, trong tổng số 497 trường tiểu học đến thời điểm này cũng đã có 430 trường có thư viện đạt chuẩn.

Tuy nhiên, đúng như người đứng đầu ngành giáo dục của thành phố này lưu ý tại buổi lễ, nếu “không có sự tác động của thầy cô giáo, không có sự đề xuất tham mưu một cách sinh động, phong phú, sáng tạo của những thủ thư của thư viện nhà trường và không có sự quan tâm đặc biệt của hiệu trưởng nhà trường thì chúng ta sẽ không phát huy được hiệu quả của thư viện như là chúng ta mong muốn”.

Nói rộng ra hơn, thư viện phải thực sự đóng vai trò là “trái tim nhà trường” như tên gọi dự án của EDF để hình thành nên văn hóa đọc cho các em ngay từ tuổi thơ, và gia đình, xã hội cũng phải tiếp tục đón nhận các em bằng một môi trường nuôi dưỡng “nhịp đập” ấy thì văn hóa đọc mới sống và lớn lên được. Phải làm sao để sách báo thật sự quay trở lại đúng vị thế là món ăn tinh thần thiết yếu của con người như những năm trước đây thì mục tiêu xã hội văn minh, hiện đại mà cả dân tộc ta đang hướng tới mới thành hiện thực.

Cách đây vài năm, một nữ chuyên gia giáo dục hàng đầu của Trung Quốc cũng từng cảnh báo ở nước họ rằng “người không đọc sách là người mông muội, một gia đình không đọc sách là một gia đình vô vị, một dân tộc không đọc sách là một dân tộc nông cạn”.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.