Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip kèm thông tin chia sẻ của một trạm cứu hộ chó, mèo ở Hà Nội đang bị "ép" chuyển nhà, gây xôn xao dư luận.
"Dù không gây ồn ào hay mùi ảnh hưởng xung quanh nhưng ngôi nhà chúng tôi đang thuê ở P.Nhật Tân (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã bị thông báo yêu cầu phải chuyển đi trong 20 ngày.
Chúng tôi không hiểu vì sao nhà nước đang mong muốn thí điểm Hà Nội là thành phố nói không với thịt chó mèo mà ở đây mọi người làm khó và gây sức ép để các bé phải đi. Những bé bị tật nguyền và bị bỏ rơi đơn giản chỉ cần một mái nhà che mưa nắng. Anh chị dọn dẹp chăm sóc các bé hàng ngày… nhưng bị gọi là cơ sở thu gom động vật để áp luật thú y bắt các bé di chuyển.
Cảm thấy thật sự đau lòng và thương cho các bé nhỏ… Ngôi nhà chỉ toàn các bé mèo và hơn chục bé cún liệt, yếu đuối. Chúng mình không biết phải làm sao để bảo vệ được các bé. Số tiền sửa chữa và di chuyển đã quá lớn và sự thực là chúng mình không gây ồn hay làm ảnh hưởng tới bất kỳ ai", bài viết chia sẻ.
Bài viết sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương xem xét tạo điều kiện nếu cơ sở này đảm bảo vệ sinh cũng như không gây tiếng ồn.
Trạm cứu hộ chó mèo "cầu cứu"
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trạm cứu hộ trên nằm trong ngõ 374 Âu Cơ (P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ, Hà Nội). Đây là ngôi nhà rộng khoảng 200 - 300 m2 nằm trong khu dân cư với mật độ nhà dân dày đặc.
Trao đổi với phóng viên, chị Phạm Khánh Quỳnh, người quản lý trạm cứu hộ chó mèo, chia sẻ căn nhà trong ngõ 274 Âu cơ được chị thuê và chuyển đến từ cuối tháng 5. Tuy nhiên, khi chuyển về đây không lâu thì nhận được nhiều thông báo của P.Nhật Tân về việc phải chuyển đi trong 20 ngày.
"Cơ sở của chúng tôi nhận chăm sóc những chú chó, chú mèo bị liệt, ốm yếu. Mới đây, UBND P.Nhật Tân yêu cầu nhóm chuyển đi, chúng tôi đang cố gắng trao đổi để được ở lại hoạt động vì mới đây thành phố đề xuất thí điểm là thành phố nói không với thịt chó mèo, nên rất mong được tạo điều kiện", chị Quỳnh nói.
Chia sẻ về việc nhận cứu hộ những chú chó, mèo ốm yếu, chị Quỳnh cho biết, năm 2013, chị tình cờ cứu và nuôi một con mèo. Sau đó, chị thấy nhiều chó, mèo bị ghẻ lở, ốm yếu bị chủ vứt bỏ nên đã mang về chăm sóc.
Thời gian trôi qua, càng ngày càng nhận nuôi nhiều chó, mèo ốm yếu nên chị đã quyết định cùng bạn bè lập đội cứu hộ chó mèo với mong muốn chăm sóc chó mèo bị bỏ rơi, bị tai nạn và tìm chủ mới.
Theo chị Quỳnh, đội cứu hộ đang chăm sóc cho 83 chó, mèo, trong đó có hơn 10 con chó già, bị liệt… 8 năm nay, nhóm hoạt động bằng tiền túi, phần khác được một số cá nhân ủng hộ và từ bán đồ gây quỹ.
"Trạm cứu hộ của chúng tôi có 2 cơ sở, một cơ sở chăm sóc những chú chó mèo khoẻ ở xa khu dân cư, cơ sở còn lại ở P.Nhật Tân. Chúng tôi cũng cam kết không ảnh hưởng đến môi trường cũng như người dân xung quanh. Khi nào phát triển hơn sẽ tìm nơi đất rộng, tốt hơn để xây dựng nhà chung thay vì phải đi thuê, sửa sang rất tốn kém", chị Quỳnh mong muốn.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND P.Nhật Tân xác nhận chính quyền phường có yêu cầu một cơ sở chăm sóc chó, mèo trên địa bàn phường phải chuyển đi.
"Chúng tôi rất ủng hộ việc nuôi và cứu hộ những chú chó, mèo ốm yếu, đây là việc làm nhân văn. Tuy nhiên, đây là địa điểm đông dân cư, cơ sở này gây ảnh hưởng đến các hộ dân bên cạnh, nhiều người dân đã mất ngủ vì tiếng kêu của những chú chó nên chúng tôi buộc phải yêu cầu họ chuyển đi", lãnh đạo UBND P.Nhật Tân nói, và cho hay, phường nhận được phản ánh từ người dân cách đây khoảng 1 tháng.
Lãnh đạo UBND Q.Tây Hồ cũng cho hay, trạm cứu hộ chó mèo hoạt động tự phát, chưa có giấy tờ theo quy định. Bên cạnh đó, người dân phản ánh việc nuôi nhốt nhiều gây tiếng ồn và ảnh hưởng môi trường xung quanh.
"Địa phương đã có báo cáo lên quận trong việc có lập biên bản hồ sơ, vận động đơn vị nuôi nhốt chó mèo di dời để không ảnh hưởng người dân xung quanh. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho những việc làm tốt nhưng không được làm ảnh hưởng tới cuộc sống của những hộ dân xung quanh", lãnh đạo UBND Q.Tây Hồ nói.
Bình luận (0)