Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo

Hoài Nhiên
Hoài Nhiên
04/09/2024 04:24 GMT+7

Nằm ở trung tâm TP.Thủ Đức (TP.HCM), P.An Phú là khu vực phát triển năng động với nhiều cao ốc khang trang, hiện đại. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây lại tồn tại những xóm trọ nghèo có hàng trăm gia đình tứ xứ đang bám trụ mưu sinh.

"Muốn được vui chơi Trung thu một lần"

Chúng tôi đến thăm khu phố 14 gần cầu Rạch Chiếc, P.An Phú, nơi có rất nhiều dãy trọ cũ kỹ, chật hẹp đã xuống cấp từ lâu. Tại đây, chúng tôi gặp được vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hướng Dương (31 tuổi) và anh Hồ Thanh Sang (40 tuổi). Anh chị có 4 người con là Nguyễn Thanh Tường Vy (13 tuổi), Nguyễn Đồng Bảo Phúc (8 tuổi), Nguyễn Thanh Thủy (7 tuổi), Nguyễn Thanh Trúc (4 tuổi).

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thanh Hướng Dương (31 tuổi) và anh Hồ Thanh Sang (40 tuổi) dọn dẹp sau một đêm thức trắng bán cháo lòng. Dù làm việc quần quật từ sáng sớm đến đêm khuya nhưng gia đình chị Dương và anh Sang vẫn thiếu thốn trăm bề

ẢNH: NHẬT THỊNH

Từ Vĩnh Long lên TP.HCM, gia đình chị Dương sống trong một căn trọ chỉ vỏn vẹn 22 m2, xung quanh là những bức tường đã ố vàng, ẩm mốc theo năm tháng. Chị Dương tâm sự với chúng tôi, chị có 4 người con nhưng chỉ sống cùng 2 bé. Cái khó, cái khổ nhiều bề đã khiến chị Dương "dứt lòng" để người con đầu sống với bà ngoại ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) và người con út sống với một người phụ nữ đã lớn tuổi ở cùng dãy trọ.

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 2.

Hầu hết người ở trọ tại khu phố 14 gần cầu Rạch Chiếc, P.An Phú là lao động nhập cư

ẢNH: NHẬT THỊNH

Nhắc đến con, đôi mắt của chị Dương đỏ hoe vì sự dằn vặt khi một người mẹ lại để con của mình cho người khác nuôi nấng. Dù làm việc quần quật từ sáng sớm đến đêm khuya nhưng gia đình chị Dương và anh Sang vẫn thiếu thốn trăm bề.

Với công việc bán cháo lòng, mỗi ngày chị Dương kiếm được khoảng 200.000 đồng. Trước đây, anh Sang làm thợ hồ nhưng đã thất nghiệp hơn mấy tháng. Vì vậy, gia đình chị Dương lại càng khó khăn chồng chất khi phải chi trả tiền trọ, tiền ăn uống, tiền thuốc men… cho các con.

Chị Dương còn tâm sự với chúng tôi về một nỗi niềm lớn khi chị không thể cho các con của mình được học tập như các bạn đồng trang lứa. "Mỗi lần nhìn các con thơ dại mơ về tương lai tươi sáng, tôi càng bất lực khi không thể cho các con được học tập đầy đủ", chị Dương vừa nói, vừa tự trách chính mình.

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 3.

Chị Dương luôn đau đáu nỗi niềm khi không thể cho các con của mình được học tập như các bạn đồng trang lứa

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 4.

Chứng kiến sự vất vả của ba mẹ, bé Nguyễn Thanh Thủy (7 tuổi) không dám đòi quà bánh vào mỗi dịp Trung thu. "Con không muốn mẹ phải vất vả hơn nên con không dám nói với mẹ rằng con thích lồng đèn. Con rất muốn được đi chơi Trung thu một lần", bé Thủy tâm sự

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Chỉ mong có một chiếc bánh trung thu"

Cách đó không xa, chúng tôi gặp được vợ chồng anh Nguyễn Hữu Lợi (30 tuổi) và chị Trương Thanh Ly (28 tuổi, quê ở Vĩnh Long) trong một con hẻm nhỏ của xóm trọ nghèo. Anh chị có 4 người con là Trương Thị Ánh Dương (11 tuổi), Trương Thị Linh Nhi (8 tuổi), Trương Thị Như Ngọc (7 tuổi), Trương Phúc An (5 tuổi).

Là người cha của 4 đứa con nhỏ, anh Lợi chưa bao giờ dám nghỉ ngày nào, kể cả lúc ốm đau. Mỗi ngày, anh Lợi kiếm được khoảng 280.000 đồng từ việc giữ xe tại chợ Thảo Điền (TP.Thủ Đức). Mặc dù là vậy nhưng gia đình anh Lợi vẫn luôn trong trạng thái "chật vật đủ thứ".

Anh Lợi luôn đau đáu trong lòng về việc các con không được đi học ở trường công lập như những đứa trẻ khác. "Tôi chỉ ước rằng các con được học ở trường công lập để có tương lai tươi sáng hơn. Mỗi lần nghĩ về sự thiệt thòi của các con khi không được học đầy đủ, vợ chồng tôi chạnh lòng lắm", anh Lợi nghẹn ngào hướng mắt nhìn các con.

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 5.

Gia đình anh Lợi ở xóm trọ nghèo

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, các con của anh Lợi chưa bao giờ được đón Trung thu một cách trọn vẹn. Đối với các em, Trung thu đầy đủ quà bánh, lồng đèn dường như quá xa vời.

Con đầu lòng của anh Lợi, bé Trương Thị Ánh Dương (11 tuổi) chẳng dám ước mong gì lớn lao trong dịp Trung thu: "Con chỉ mong có một chiếc bánh trung thu để chia cho các em thôi".

"Không dám nói vì sợ mẹ không đủ tiền mua"

Chúng tôi đến thăm khu phố 7, P.An Phú, nơi có khoảng 20 phòng trọ xập xệ được lợp bằng tôn cũ kỹ trải dài trong con hẻm nhỏ. Tại đây, chúng tôi đã gặp chị Huỳnh Thị Trúc Giang (30 tuổi, quê ở Sóc Trăng), một người mẹ đơn thân đang gồng gánh cuộc sống trên đôi vai gầy guộc của mình. Chị Giang có 2 người con là Nguyễn Ngọc Gia Hân (10 tuổi), Nguyễn Minh Triết (9 tuổi).

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 6.

Chị Huỳnh Thị Trúc Giang (30 tuổi, quê ở Sóc Trăng) và 2 con ở xóm trọ nghèo

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trong căn phòng chưa đến 24 m², 3 mẹ con sống nương tựa nhau giữa những ngày tháng đầy khó khăn. Cách đây 8 năm, chồng chị Giang đã rời bỏ 3 mẹ con mà không một đồng phụ cấp nuôi dưỡng. Nuốt nước mắt vào trong, chị Giang lặng lẽ gánh vác tất cả, từ việc kiếm sống đến nuôi dạy con.

Từ tỉnh Sóc Trăng lên TP.HCM, chị Giang trở thành thợ sơn nhà để kiếm tiền nuôi 2 con. Chị Giang tâm sự, công việc này gặp rất nhiều khó khăn vì phụ thuộc vào thời tiết. Khi TP.HCM vào mùa mưa, thu nhập của chị Giang chỉ còn vài ba triệu đồng nên không đủ sức lo cho con những bữa ăn no.

"Vào những tháng có mưa nhiều, tôi chỉ đi làm được vài ngày nên không đủ tiền mua thức ăn cho 2 con. Tôi chỉ có thể nhờ cậy bà ngoại cho mượn ít tiền để các con được ăn no", chị Giang nghẹn ngào tâm sự.

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 7.

Ít ai biết rằng, giữa những tòa nhà cao tầng lại tồn tại những xóm trọ nghèo (khu phố 7, P.An Phú, TP.Thủ Đức). Ở đây, có những đứa trẻ luôn mong chờ một tết Trung thu trọn vẹn

ẢNH: NHẬT THỊNH

May mắn thay, 2 con của chị Giang được đi học tại Trường phổ cập P.25, Q.Bình Thạnh. Các con được hỗ trợ 100% học phí, đồng phục, sách vở nên chị Giang cũng giảm bớt gánh nặng chi phí.

Hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 người con của chị Giang chưa bao giờ đòi mẹ mua quà bánh vào dịp tết Trung thu. Con đầu lòng của chị Giang, bé Nguyễn Ngọc Gia Hân (10 tuổi) tâm sự: "Hai chị em con mong muốn có một chiếc lồng đèn hình con cá khổng lồ và được vui Trung thu, nhưng 2 chị em con không dám nói vì sợ mẹ không đủ tiền mua".

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 8.

Em Phạm Đăng Hiếu (9 tuổi) bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc sơ sinh. Kể từ đó, em Hiếu sống cùng ông bà ngoại trong một căn trọ cũ kỹ tại khu phố 14, P.An Phú, TP.Thủ Đức. Bà Nguyễn Thị Nàng (54 tuổi) và ông Phạm Đăng Dũng (55 tuổi, quê ở Vĩnh Long) luôn cố gắng thức khuya dậy sớm bán bún riêu để nuôi nấng cháu ngoại

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 9.

Hai chị em Ngô Thanh Tuyền (15 tuổi) và Ngô Huyền Trân (5 tuổi) sống cùng mẹ là chị Ngô Thảo My (35 tuổi) trong một căn trọ cũ kỹ tại khu phố 14, P.An Phú, TP.Thủ Đức. Sau khi ly hôn, chị My đã dắt 2 con lên TP.HCM kiếm sống và không được chồng hỗ trợ nuôi con. Mỗi tháng, chị Thảo My kiếm được khoảng 5 triệu đồng nhưng phải đóng tiền trọ hơn 2 triệu đồng

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 10.

Chị Hồ Thị Mỹ Hạnh (33 tuổi) và anh Trần Văn Tót (40 tuổi) có 4 người con là Trần Thị Mỹ Huyền (15 tuổi), Trần Bảo Quy (13 tuổi), Trần Bảo Di (9 tuổi), Hoàng Như Ý (2 tuổi). Cả gia đình chị Hạnh đang sống trong một căn nhà xập xệ ở khu phố 7, P.An Phú, TP.Thủ Đức. Chị Hạnh mắc bệnh động kinh lâu năm nên không thể đi làm, anh Tót làm thợ xây dựng với mức lương 300.000 đồng mỗi ngày. Hiểu hoàn cảnh gia đình khốn khó, các con của chị Hạnh thường xuyên đi lượm ve chai, phụ bán cà phê vào ban ngày, ban đêm thì đi học ở lớp tình thương trên địa bàn

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 11.

Chị Lê Thị Phướng (28 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tề (30 tuổi) đang sống trong một căn trọ chật hẹp ở khu phố 14, P.An Phú, TP.Thủ Đức. Hai vợ chồng chị có 1 người con, là Nguyễn Văn Bin (3 tuổi) bị bệnh nặng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mặc dù mang thai tháng thứ sáu nhưng chị Phướng vẫn tiếp tục công việc thợ xây dựng để kiếm tiền nuôi con

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 12.

Nét hồn nhiên, vui tươi của các em nhỏ sinh sống trong những khu trọ nghèo ở TP.Thủ Đức

ẢNH: NHẬT THỊNH

Bà Nguyễn Võ Kim Thanh, cán bộ bình đẳng giới - trẻ em, UBND P.An Phú cho biết, trẻ em ở những xóm trọ nghèo trên địa bàn khu phố 14, khu phố 7 P.An Phú có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo bà Kim Thanh, UBND P.An Phú thường xuyên phối hợp TP.Thủ Đức, các nhà hảo tâm trao quà cho các em nhỏ khó khăn tại khu phố 14, khu phố 7 vào các dịp tết Nguyên đán, Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu… Tuy nhiên, nguồn lực của UBND P.An Phú hạn chế nên không thể tổ chức cho tất cả trẻ em ở 2 khu phố này.

"Nguồn kinh phí hỗ trợ và nhân lực của UBND P.An Phú còn hạn chế nên chúng tôi không thể tổ chức tết Trung thu từng khu phố mà chỉ tổ chức tại UBND P.An Phú. Vì vậy, số lượng thiếu nhi tham gia còn hạn chế", bà Kim Thanh chia sẻ.

Bà Kim Thanh bày tỏ mong muốn các nhà hảo tâm là bạn đọc của Báo Thanh Niên sẽ chung tay hỗ trợ các em nhỏ ở xóm trọ nghèo thuộc khu phố 14, khu phố 7 để thực hiện một phần ước mơ của các em về một mùa Trung thu đáng nhớ.

Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 13.
Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 14.
Trăm em nhỏ mong một trung thu yêu thương ở xóm trọ nghèo- Ảnh 15.

Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng các em nhỏ ở khu phố 14, khu phố 7, P.An Phú, TP.Thủ Đức luôn khao khát được đi học và “chỉ ước được đi chơi tết Trung thu, dù chỉ là một lần”

ẢNH: NHẬT THỊNH

Bạn đọc thân thiết của Báo Thanh Niên đồng hành Trung thu yêu thương

Ngay khi được chia sẻ về hoàn cảnh và mong ước của nhiều em nhỏ ở xóm trọ nghèo khu phố 7, khu phố 14 nói trên, Chi hội nhà báo tại tòa soạn TP.HCM (thuộc Liên chi hội nhà báo Báo Thanh Niên) lên kế hoạch tổ chức vui Trung thu cho 60 em.

Tuy nhiên, sau khi trực tiếp cùng ông Nguyễn Thái Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND P.An Phú và bà Nguyễn Võ Kim Thanh, cán bộ bình đẳng giới - trẻ em (UBND P.An Phú) khảo sát thực tế, nhận thấy số lượng trẻ em đông nên kế hoạch tổ chức tăng lên 200 em.

Chúng tôi đã liên lạc bước đầu và chuyển tiếp thông tin về kế hoạch đến một số bạn đọc thân thiết của Báo Thanh Niên, thì có nhà hảo tâm, đơn vị sẵn lòng đồng hành tổ chức Trung thu yêu thương vào 17 giờ ngày 17.9 (nhằm 15.8 âm lịch) tại trụ sở khu phố 14, P.An Phú cho trẻ em nghèo xóm trọ.

Trong đó, Công ty TNHH Golden Trust (Top 10 doanh nghiệp xuất sắc hàng đầu 2024) ủng hộ 200 phần bánh ngọt, trà sữa Gong Cha. Mới đây, thương hiệu trà sữa Gong Cha được Viện Kinh tế Văn hóa kết hợp Trung tâm Bảo vệ người tiêu dùng bình chọn tốp 10 "Thương hiệu nổi tiếng 2024"; ông Nguyễn Hoài Phương, Tổng giám đốc Công ty Golden Trust được vinh danh là "Doanh nhân vàng Việt Nam 2024" vì khả năng điều hành chuỗi thương hiệu vượt qua các thời kỳ khó khăn và những đóng góp cho xã hội trong hơn 10 năm thành lập.

Một số nhà hảo tâm (trong đó có cửa hàng C3Kitchen - Quynh Le ở 33/10 Lưu Nhân Chú, P.5, Q.Tân Bình, TP.HCM; và 1 nhà chùa) ủng hộ bánh trung thu, nước uống, áo quần; có nhà hảo tâm ủng hộ một khoản kinh phí (được chuyển thẳng cho đại diện UBND P.An Phú); đặc biệt Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà nhận lời tham dự chương trình với mong muốn chia sẻ yêu thương, ấm áp, giúp các em nhỏ xóm trọ nghèo lưu giữ những kỷ niệm đẹp về Trung thu yêu thương của tuổi thơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.