“Trăm hay không bằng tay quen”, đó là một bài học đã được ông bà ta đúc kết được và để lại cho con cháu không chỉ trong tiết kiệm điện mà ở mọi công việc. Thật vậy, trong cuộc sống, nếu ta làm một điều gì đó thường xuyên thì tự khắc việc ấy sẽ trở thành thói quen mà đến bản thân ta cũng không hề hay biết.
Và tôi, một sinh viên ngành kỹ thuật điện đang theo học tại Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đang dần tập hình thành dần một thói quen mới – tiết kiệm điện trong cuộc sống như thế.
Với kiến thức về điện được học tập tại trường và thực tế từ công việc tôi đang làm – nhân viên kỹ thuật cho công ty cơ điện thì tôi hiểu được việc tiết kiệm điện mang lại những lợi ích như thế nào. Không cần những hành động lớn lao, tôi thực hiện việc tiết kiệm điện bằng những thói quen nhỏ, đơn giản.
Tôi thường có thói quen sắp xếp bàn học và bàn làm việc của mình ở gần cửa sổ để tận dụng nguồn sáng từ mặt trời để làm việc cũng như học tập vào ban ngày.
Ở khu trọ tôi đang sinh sống có các đèn chiếu sáng lối đi cầu thang để thuận tiện cho việc di chuyển của cư dân vào buổi tối, nhưng đôi lúc mọi người hay quên tắt công tắc vào buổi sáng gây nên việc lãng phí điện năng cho chủ khu trọ. Với lượng kiến thức đã học được ở trường, tôi đã nghĩ ra 1 sáng kiến đó là chuyển đổi cách điều khiển đèn từ công tắc sang điều khiển đèn bằng cảm biến chuyển động. Thế là tôi đã có một cuộc trò chuyện với chủ khu trọ về ý kiến của mình. Ông chủ đã vui vẻ đồng ý cho tôi thực hiện.
Công việc tôi đang làm liên quan đến thi công và bảo trì hệ thống điện cho các tòa nhà cao tầng nên tôi luôn đặt sự an toàn trong công việc lên hàng đầu. Vì bản thân tôi biết nếu trong việc liên quan đến điện mà làm bất cẩn thì sẽ mang lại mối nguy hiểm như thế nào. Và thế là tôi quyết định phải hình thành thói quen làm việc an toàn.
May mắn thay những thói quen đó cũng góp phần tiết kiệm được lượng điện năng hao phí. Lúc trước, khi thi công ở những khu vực thiếu ánh sáng, tôi sẽ sử dụng một bóng đèn và cắm trực tiếp vào hộp nguồn điện tạm để thực hiện công việc.
Nhận thấy việc kéo dây điện để cấp nguồn cho bóng đèn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm xảy ra: dây có thể bị xước trong quá trình làm việc gây ra rò điện, nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, tôi đã quyết định đầu tư một loại đèn led sử dụng pin có thể sử dụng cả tuần liền. Thiết bị chỉ cần một lần sạc đủ phục vụ công tác thi công ở những nơi điều kiện ánh sáng bị hạn chế. Điều này giảm thiểu rủi ro khi thi công cũng như tiết kiệm được điện năng. Tôi cũng đầu tư nhiều loại máy như máy cắt pin, máy bắn vít pin, máy khoan bê tông pin để phục vụ cho công việc.
Sử dụng những loại máy đó sẽ mang lại sự tiện dụng, an toàn hơn khi thi công khi không phải kéo dây cấp nguồn rườm rà như những loại máy sử dụng nguồn điện trực tiếp. Vừa giảm được nguy cơ bị rò điện, cũng như góp phần tiết kiệm được lượng điện năng. Tôi chỉ cần sạc một buổi tối khi đi làm về là có thể sử dụng các loại máy hằng tiếng đồng hồ cho những ngày làm việc tiếp theo.
Trong cuộc sống hằng ngày, tôi còn rèn luyện thói quen tiết kiệm điện để giảm được chi phí sinh hoạt: Việc tắt đèn nhà vệ sinh khi không sử dụng, không bật máy điều hòa khi thời tiết lạnh..., đó là những việc làm nhỏ mà hằng ngày tôi vẫn đang thực hiện theo kiểu "tích tiểu thành đa", để hình thành một thói quen tốt sau này làm gương cho gia đình trong việc sử dụng điện tiết kiệm và an toàn.
Bình luận (0)