Chào ngày mới:

Trám 'lỗ hổng' cao tốc

23/02/2024 06:45 GMT+7

Một loạt sự cố xảy ra sau khi các dự án cao tốc phân kỳ đầu tư đưa vào hoạt động cho thấy, dù đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng an toàn mới là điều quan trọng nhất với các dự án hạ tầng giao thông.

Hôm qua 22.2, cho ý kiến báo cáo dân nguyện tháng 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ tìm hướng giải quyết trước phản ánh nhiều đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn không đạt quy chuẩn, không có dải phân cách cứng. Trước đó 1 ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ký công điện yêu cầu đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ...

Đường hẹp, thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu camera giám sát... là những bất cập trên cao tốc được phân kỳ đầu tư quy mô 2 làn hoặc 4 làn xe hạn chế hiện nay. Những vấn đề này không phải Bộ GTVT không biết, thế nhưng do thiếu vốn, 11 tuyến cao tốc được xây dựng giai đoạn 2017 - 2020 đều được phân kỳ đầu tư: Giai đoạn đầu xây 2 hoặc 4 làn xe hạn chế, đến khi có nguồn vốn sẽ tiếp tục mở rộng, hoàn thiện. Cũng phải nhấn mạnh rằng, các dự án cao tốc đưa vào sử dụng đã giúp lưu thông thuận lợi, tăng kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới cho nhiều địa phương. Thế nhưng trong khi chưa được hoàn thiện thì lưu lượng xe trên các đường này đã tăng quá nhanh, thậm chí tăng đột biến dịp trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa rồi, dẫn đến nhiều sự cố, trong đó có tai nạn gây chết người. Thế nên việc khẩn cấp hiện nay như nói trên, Chính phủ đang yêu cầu nâng cấp các tuyến cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Nhưng nâng cấp các tuyến đường thôi chưa đủ, nếu không trám các lỗ hổng về văn hóa, ý thức tham gia giao thông, đặc biệt là giao thông trên cao tốc của nhiều tài xế hiện nay. Chúng ta đều chứng kiến chuyện phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng làn đường đang ngày càng trở nên phổ biến trên cao tốc, trong khi những hành vi này rất dễ gây tai nạn. Bên cạnh đó, chuyện lấn làn, lấn tuyến, không tuân thủ biển báo, biển chỉ dẫn cũng rất nhiều. Ngay cả việc chạy ngược chiều, thậm chí trâu bò băng ngang qua cao tốc... cũng không còn là chuyện hiếm. Hãy thử đặt trường hợp, các hành vi này vẫn duy trì và tiếp diễn, thì ngay cả khi chúng ta hoàn thiện các cao tốc phân kỳ đầu tư hiện nay, cũng khó tránh khỏi rủi ro, tai nạn, ùn tắc như đang xảy ra.

Giao thông là huyết mạch của đất nước, là động lực khai phá và phát triển các vùng đất, điều đó đã được minh chứng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với VN cũng tương tự, chúng ta đã chứng kiến nhiều địa phương nhờ phát triển hạ tầng đường sá mà đột phá kinh tế. Đó là lý do dù ngân sách còn eo hẹp, nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn lịch sử, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn quyết liệt triển khai một loạt dự án trọng điểm, trong đó có cao tốc Bắc - Nam. Trong bối cảnh đó, việc "liệu cơm gắp mắm", phân kỳ đầu tư là không thể tránh khỏi. Thế nhưng hạ tầng giao thông liên quan trực tiếp đến an toàn, tính mạng của người dân nên những hạng mục cơ bản như làn khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, camera... bắt buộc phải được đầu tư đồng bộ. Thậm chí nếu chưa xong, không nhất thiết vội vã đưa cao tốc vào hoạt động để hạn chế các rủi ro. Ở chiều ngược lại, người tham gia lưu thông cần nâng cao ý thức, văn hóa khi đi trên cao tốc nói riêng và trên đường nói chung để bảo đảm an toàn cho mình và cho những người xung quanh.

Trám lỗ hổng cao tốc, cần sự đồng lòng của tất cả các bên, không chỉ là hoàn thiện những hạng mục con đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.