Cuộc thượng đỉnh với 6 vương triều ở vùng Vịnh được Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng để xốc lại hàng ngũ đồng minh chiến lược. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 6 quốc gia này có lãnh đạo cao cấp nhất đến tham dự. Điều này phản ánh nghi ngại sâu sắc về mức độ tin cậy trong quan hệ với Mỹ và hoài nghi về cam kết của Mỹ về bảo hộ an ninh cho họ.
Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út đã từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ
Barack Obama (phái) và gửi Thái tử Mohammed bin Nayef (giữa) đi thay - Ảnh: Reuters |
Tất cả các vương triều nói trên đang bị thách thức nghiêm trọng về ý thức hệ, sắc tộc và chính trị an ninh. Trật tự khu vực có lợi cho họ suốt nhiều thập niên qua giờ đang có nguy cơ đổ vỡ hoặc ít nhất thì cũng không thể tiếp tục tồn tại lâu dài.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) không chỉ làm rung chuyển Iraq và Syria mà còn bắt đầu khuấy đảo nhiều nước, kéo theo sự trỗi dậy của nhiều lực lượng cực đoan khác. Ngoài chiến tranh ở Iraq, Syria và Yemen còn có sự bùng phát công khai cuộc đụng độ giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite mà thực chất phía sau đó là sự đối địch giữa các vương triều này với Iran.
Vấn đề hạt nhân của Iran lại sắp được giải quyết mở ra thời kỳ mới giúp nước này nâng cao vị thế quốc tế và tăng cường tiềm lực về mọi mặt. Vì thế, những đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực lo ngại bị bỏ rơi hoặc xao nhãng về an ninh.
Tổng thống Obama phải dùng cuộc thượng đỉnh này để trấn an đồng minh. Tuy chưa thể xua tan mọi lo ngại và nghi ngờ nhưng cũng đủ để liên minh này được củng cố lại, hợp tác được tăng cường, phối hợp hành động được đẩy mạnh, viện trợ quân sự của Mỹ được gia tăng.
Bình luận (0)