“Trần Dần - Thơ”: Không thu hồi, phạt 15 triệu đồng

09/03/2008 13:24 GMT+7

Chưa đầy 1 tháng phát hành, “Trần Dần - Thơ” đã được dư luận đặc biệt quan tâm nhất là khi có tin đồn sách đứng trước nguy cơ “đình chỉ, thu hồi đến nơi”. May mà cuối cùng tình trạng u u minh minh về số phận cuốn sách cũng chấm dứt.

“Chưa hưởng mùa xuân đã phải chịu mùa hè”

Thế nào mà câu thơ này của Trần Dần lại như vận vào tình cảnh cuốn di cảo mới ra lò của ông. Chỉ sau 4 ngày phát hành, 25.2, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam - đơn vị liên kết với NXB Đà Nẵng để xuất bản cuốn sách đã nhận được công văn từ Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) yêu cầu báo cáo, giải trình bởi “không đúng qui định xuất bản”.

Sau đó, chiều 26.2, một đoàn cán bộ Bộ TTTT, Cục Xuất bản... tới Nhã Nam lập biên bản ngừng phát hành tập thơ, niêm phong toàn bộ sách trong kho. Tuy nhiên số sách này, nói như ông Chánh thanh tra Bộ thì “hình như họ in nhiều, giờ trong kho chẳng còn đáng mấy” - mà đã kịp bày đầy quầy sách lớn nhỏ ở Hà Nội (con số phát hành chính thức đợt đầu tiên là 1.500 cuốn).

Liền sau đó là cuộc lùng sục của bạn đọc đối với Trần Dần, trước hết vì đại danh của ông, sau là đối với một sản phẩm nghe đâu “có vấn đề”  (nên mới bị..., và mua mau kẻo hết).

Cho đến chiều 7.3, điện thoại xin gặp ông Chánh thanh tra Bộ TTTT Nguyễn Thanh Hải để phỏng vấn về việc cuốn “Trần Dần - Thơ” vì sao có sự mù mờ thông tin, phóng viên nhận được câu trả lời: “Đã ngừng phát hành rồi, chắc sẽ bị tiêu hủy”. Ông Hải cũng nói thêm: “Không ai kết luận sách vi phạm nội dung, mà là sai phạm về trình tự thủ tục xuất bản. Phải có quyết định xuất bản của Giám đốc NXB, nếu không có quyết định của Giám đốc mà vẫn in thì đã sai phạm về quy trình. Nhã Nam ký hợp đồng với Phó Giám đốc, mà theo Luật Xuất bản thì Phó Giám đốc không được ký hợp đồng in”.

Tuy nhiên, Công văn số 145/QĐ-XPHC ngày 7.3 do ông Nguyễn Thanh Hải ký, không nói gì đến tiêu hủy hay đình chỉ, mà là: Xử phạt Nhã Nam 15 triệu đồng vì “tội”: “Xuất bản Thơ Trần Dần không có quyết định của Giám đốc NXB”. Cụ thể “Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam không kiểm tra giấy ủy quyền của Phó giám đốc, đã ký hợp đồng với Phó giám đốc vào ngày 10.8.2007, nên đã thực hiện hợp đồng vô hiệu”. Ngoài 15 triệu tiền mặt thì hình thức phạt bổ sung là: Tịch thu 19 cuốn Thơ Trần Dần (vốn bị niêm phong từ hôm 26.2).


Nhà thơ Trần Dần - Ảnh: N.Đ.T/TPO

Xử không vì nội dung mà vì thủ tục hành chính ?

Trao đổi với phóng viên, phía quản lý luôn nhấn mạnh việc xử phạt này không phải “vì Trần Dần”, mà là qui trình xuất bản nói chung!

Còn theo tìm  hiểu của chúng tôi, trình tự xuất bản cuốn sách diễn biến như sau:

Ngày 10.8.2007, ông Nguyễn Đức Hùng (tức nhà văn Đà Linh) - Phó GĐ kiêm Tổng biên tập NXB Đà Nẵng ký quyết định xuất bản “Trần Dần - Thơ”, kèm theo một hợp đồng kinh tế với đối tác là Công ty Nhã Nam (Hà Nội). Hợp đồng nêu rõ: Nhã Nam chỉ được triển khai in ấn sau khi bản thảo đã thẩm định xong; và sau khi nhận được bản thảo chính thức từ phía NXB Đà Nẵng có đóng dấu giáp lai vào từng trang... Việc thẩm định bản thảo bắt đầu từ văn bản thẩm định ngày 25.7.2007, do nhà văn Đà Linh - thường trực Chi hội Nhà văn VN tại Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nhà văn TP Đà Nẵng thực hiện.

Sau đó là các thẩm định bằng văn bản của nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn VN (2 khóa); và GS Hoàng Ngọc Hiến. Các ý kiến thẩm định đều khẳng định giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của thơ Trần Dần được nhìn nhận dưới ánh sáng của Đổi Mới, và tuyển tập là một chân dung tinh thần khá đầy đủ mà lâu nay vẫn còn ẩn kín của thi tài độc đáo bậc nhất Việt Nam này.

GS Hoàng Ngọc Hiến khẳng định: “Trần Dần đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Trần Dần đã được chiêu tuyết. Tuy nhiên chiêu tuyết bằng sự truy tặng giải thưởng vẫn là một sự chiêu tuyết bằng biện pháp hành chính (tôi vẫn nhìn nhận cách chiêu tuyết này là hết sức cần thiết). Nhà văn trước hết phải được chiêu tuyết bằng tác phẩm. Tôi xem việc xuất bản tập “Trần Dần - Thơ” mới thực sự là chiêu tuyết cho Trần Dần, là sự bổ sung cơ bản cho sự chiêu tuyết bằng truy tặng giải thưởng...”.     

Tính pháp lý cao nhất cho việc xuất bản cuốn sách, theo ông Hùng, đó là bản thảo này đã được đưa vào kế hoạch, đăng ký đề tài xuất bản từ năm 2006, đã được chủ quản là UBND TP Đà Nẵng thông qua, sau đó được Cục Xuất bản chấp nhận bằng Văn bản số 816-2006/CXB/05/79/DaN (ngày 2.11.2006). Do không chuẩn bị kịp, sang năm 2007, bản thảo này được đăng ký lại, UBND TP một lần nữa thông qua, sau đó lại được Cục Xuất bản chuẩn y theo kế hoạch xuất bản hàng năm bằng Văn bản số 279-2007/CXB/33-27/DaN (ngày 17.4.2007). 

Đáng ngạc nhiên, ngay sau khi ông Nguyễn Đức Hùng ký quyết định xuất bản, thì ngày 11.8.2007, Giám đốc NXB Đà Nẵng - ông Nguyễn Hữu Chiến (mới về NXB được 10 ngày) lại ký quyết định khác thu hồi quyết định cho xuất bản ký trước đó 1 ngày, mà như ông Hùng khẳng định, bản thân ông cũng như các bên liên quan cũng không hề được trao đổi, và cũng không nhận được quyết định mới này! “Suốt 23 năm qua tại NXB Đà Nẵng tôi đã từng ký xuất bản hàng trăm cuốn sách, nhưng chưa khi nào xảy ra sự việc như thế này... Là Phó GĐ - Tổng biên tập kiêm Bí thư Đảng ủy, từ trước tới nay giữa các đời giám đốc và tôi cùng chịu trách nhiệm như nhau trong mọi quyết định của NXB, điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Luật Xuất bản ...”.

Một điều nữa, dù quyết định ngưng việc xuất bản “Trần Dần- Thơ” do ông Nguyễn Hữu Chiến ký từ ngày 11.8.2007, nhưng mãi đến 25.2.2008, tức là hơn 6 tháng sau, Cục Xuất bản mới nhận được (?), trong khi việc in ấn, nộp lưu chiểu đã tiến hành đầy đủ theo luật định, và sách chính thức phát hành sau khi nộp lưu chiểu 15 ngày!

Dù sao, cuối cùng đơn vị ấn hành một phần di cảo của người “thích công tác ở Việt Nam mùa”, tác giả “Cổng tỉnh”, “Nhất định thắng”... cũng chỉ nhận “án phạt” 15 triệu đồng, sản phẩm không thu không đình gì cả. Một phen hú vía cho người yêu thơ và bạn đọc của Trần Dần!

Trần Tuấn - Dương Thị - Trần Thanh/Báo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.