Trong trận Nga - New Zealand tại giải Confederations Cup 2017, thời gian bóng lăn thực sự là 47 phút. Muốn có đủ 60 phút "bóng sống", trận đấu có thể sẽ phải kéo dài đến 120 phút! Tiếp tục suy luận theo tỷ lệ này, những trận đấu cần thêm hiệp phụ (10 phút bóng lăn trong mỗi hiệp phụ), có thể kéo dài đến 160 phút!
Trên thực tế, hầu như không có trận bóng đá đỉnh cao nào có đến 60 phút "bóng sống". Mọi trận đấu tại VCK World Cup 2014 đều có thời gian bóng lăn dưới 60 phút. Tại Premier League mùa bóng vừa qua, Arsenal là đội có thời gian chơi "bóng sống" nhiều nhất (bóng lăn bình quân 58 phút trong các trận đấu có Arsenal). Thấp nhất là các trận có Crystal Palace (bình quân 52 phút). Chelsea chỉ đứng thứ 4, Man City thứ 10, Tottenham thứ 17 trong bảng xếp hạng này.
tin liên quan
Tranh cãi xung quanh đề xuất trận đấu còn 60 phútCác nhà báo thể thao nổi tiếng ở Anh như Chris Errington và Jak Ball (đang làm việc cho tờ Plymouth Herald) cùng Stuart James (cựu cầu thủ chuyên nghiệp, cây bút chính chuyên viết bóng đá của tờ The Guardian), cho rằng đề xuất thay đổi trận đấu còn 60 phút của Hội đồng bóng đá quốc tế - cơ quan làm luật của FIFA (IFAB) sẽ làm mất đi tính giải trí của bóng đá lâu nay.
Vì sao thời gian "bóng sống" là điều đáng lưu ý? Vì đấy là một chi tiết nặng về chuyên môn, gắn chặt với các vấn đề chiến thuật, chứ không liên quan gì đến "tính hấp dẫn" của trận đấu, như cách suy diễn chung của người ngoài cuộc.
Tottenham là đội nổi tiếng nhất Premier League về lối chơi pressing, về thể lực và tốc độ kinh hoàng của các ngôi sao trẻ. Muốn chống lại cách chơi đầy tốc độ của Tottenham, đối phương thường chọn giải pháp phá bóng, thậm chí phạm lỗi nếu cần, để nhanh chóng dập tắt pha tấn công từ xa. Các trận đấu của Tottenham luôn bị ngắt quãng nhiều, thời gian "bóng sống" giảm xuống là vì vậy. Ngược lại, xét trong đẳng cấp cao, nhiều người vẫn cho rằng cách chơi thiên về hoa mỹ của Arsenal là kém hiệu quả, thậm chí có những lúc "ngây thơ". Không phải ngẫu nhiên mà đội bóng của Wenger chưa hề trở lại ngôi vô địch Premier League suốt 13 năm qua. Rõ ràng: làm sao để bóng... ngừng lăn cũng là một phần tất yếu của cuộc chơi, là một công việc cực kỳ quan trọng trong môn bóng đá.
|
Chơi bóng phải có lúc căng, lúc chùng; lúc thăm dò, lúc tăng tốc... Đấy là chưa kể tính đặc thù của những trường phái riêng. Từng có lúc, Juventus mở tỷ số ngay phút thứ 5 ở một trận đấu quan trọng. Suốt 85 phút còn lại, các tifosi của họ mãn nhãn trước nghệ thuật phòng thủ tuyệt vời: các cầu thủ Juventus tìm mọi cách để đưa bóng ra biên, giả vờ chấn thương, ngắt nhịp trận đấu một cách hợp lệ. Tóm lại, trận đấu coi như ngã ngũ ở... phút thứ 5, với thời gian bóng lăn thật sự là 49 phút. Và trận đấu ấy được HLV nổi tiếng Arrigo Sacchi đưa vào một giáo trình bóng đá, như một bài học tiêu biểu cho "tinh thần Catenaccio". Các tifosi muốn xem đội bóng của họ thể hiện nghệ thuật giữ vững tỷ số, mặc kệ thế giới muốn xem quả bóng lăn 60 phút!
Vậy thì, do đâu mà ý tưởng "60 phút bóng sống" lại bỗng nổi đình nổi đám trong những ngày qua? Thật ra, đây chỉ là ý tưởng trong một tập tài liệu vừa được tiểu ban kỹ thuật FIFA biên soạn. Tiểu ban này (do cựu danh thủ Marco Van Basten đứng đầu) còn có ý tưởng... bỏ luật việt vị - thoạt nghe là miễn bàn rồi. Những tài liệu như thế chỉ có giá trị mời gọi sự tranh luận. Sau đó, ý tưởng nào đặc sắc thì sẽ được đệ trình lên Hội đồng luật bóng đá quốc tế (IFAB - có 8 thành viên, gồm 4 đại diện FIFA). Ngoài FIFA, mọi LĐBĐ cấp quốc gia trên thế giới cũng đều có thể đệ trình những ý tưởng như vậy lên IFAB. Cái nào đáng chú ý thì IFAB sẽ đưa vào chương trình nghị luận, mỗi năm 1 lần. Nếu được 3/4 số phiếu thông qua (tức 6/8 phiếu), luật mới sẽ được ghi nhận và công bố.
Xin nhắc lại: mọi ý tưởng đều chỉ giới hạn trong khuôn khổ "luật bóng đá", do IFAB quản lý. IFAB đã tồn tại hơn 130 năm (FIFA mới được 113 năm), mỗi năm được nghe hàng trăm đề nghị, nhưng thi thoảng họ mới thông qua một điều luật mới. Thế là đủ hiểu!
Bình luận (0)