Thông tin người dân ở Cần Thơ đổi 100 USD ở điểm không được phép bị phạt 90 triệu đồng; doanh nghiệp thu đổi cũng bị phạt 295 triệu đồng đang gây rúng động dư luận. Thế nhưng, thực tế mua bán ngoại tệ trái phép vẫn tràn lan.
Như Thanh Niên đã thông tin, UBND TP.Cần Thơ vừa xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Cà Rê (thợ điện, ngụ TP.Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng khi bán 100 USD tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, đồng thời tịch thu 2,26 triệu đồng (tương ứng 100 USD). UBND TP.Cần Thơ cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (nơi mua 100 USD của ông Rê, tầng trệt số 40 Nguyễn Đức Cảnh, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) số tiền 295 triệu đồng. Ngoài ra, quyết định còn đưa ra hình thức xử phạt khác với công ty là tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo trị giá 548 triệu đồng (do không rõ nguồn gốc, xuất xứ); buộc tái chế số vàng không phù hợp tiêu chuẩn công bố.
“Chợ đen” muốn bao nhiêu cũng có
|
Đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng đã trở thành thói quen không đổi của nhiều người dân TP.HCM. Giữa tháng 10, chị Thu (ngụ Q.7, TP.HCM) ra một tiệm vàng gần nhà thuộc P.Tân Quy mua đô la Hồng Kông chuẩn bị đi du lịch. Chủ tiệm vàng giới thiệu, chị Thu có thể mua hoặc bán tiền của các nước ở tiệm này. Tại một tiệm vàng gần khu chợ Xóm Chiếu, Q.4, khi chúng tôi hỏi có trao đổi ngoại tệ hay không, chủ tiệm vàng cũng khẳng định ở đây thu đổi các loại ngoại tệ. “Cần loại nào cứ báo, tiệm em đều có hết”, chủ tiệm vàng này cho biết thêm.
Đó chỉ là bề nổi của thị trường ngoại tệ “chợ đen”, còn với những giao dịch ngoại tệ có số lượng lớn, khách hàng liên hệ qua điện thoại để chốt giá cũng như hẹn địa điểm giao dịch. Với khối lượng 50.000 USD, ông Sơn (làm việc tại một công ty có trụ sở Q.3, TP.HCM) sau khi trao đổi qua điện thoại, người mua USD tên Phượng chốt giá và giao dịch tại trụ sở làm việc của ông Sơn. Từ kinh nghiệm mua bán USD trên thị trường tự do, bà Trâm (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tiết lộ, đối với số lượng ngoại tệ lớn, bà thường chọn điểm giao dịch ở ngân hàng vì không biết phân biệt USD thật - giả. Khi nhận tiền, nộp vào tài khoản ngân hàng luôn để kiểm tra và đỡ phải cầm đi lòng vòng sợ cướp giật.
Thực thi pháp luật chưa nghiêm
|
Theo ông Lê Đạt Chí, dù đã có quy định cấm các hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép nhưng việc kiểm tra xử phạt dường như rất ít. Đặc biệt, hầu như các tiệm vàng, nhiều khách sạn vẫn công khai mua bán, thu đổi ngoại tệ. Hơn nữa, quy định nêu rõ các đơn vị có giấy phép thu đổi ngoại tệ, nghĩa là chỉ được phép đổi ngoại tệ sang tiền đồng cho khách hàng. Nhưng nhiều nơi vẫn mập mờ, vừa thu đổi ngoại tệ vừa bán lại ngoại tệ khi khách hàng có nhu cầu. "Vậy thông qua các điểm được phép thu đổi ngoại tệ thì nguồn ngoại tệ đó đưa về đâu? Có đảm bảo thu đổi và chuyển vào hệ thống ngân hàng không hay lại bán lậu ra thị trường? Liệu công tác kiểm tra giám sát đã được thực thi hay chỉ buông lỏng và thỉnh thoảng lại làm cho có?", ông Chí đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường đại học Fulbright VN, nói thẳng: Nếu ở một cửa hàng bán dịch vụ sản phẩm thì người dân sẽ sử dụng, các tiệm vàng kinh doanh có giấy phép hay không là việc của cơ quan quản lý kiểm tra, không thuộc trách nhiệm của người dân. “Tôi mặc định các tiệm vàng đó là có giấy phép và nhu cầu tôi cần đổi thì ra đó. Khách du lịch đến VN cũng ra các tiệm vàng đổi tiền, họ không biết tiệm có đăng ký hay không. Khi có quy định nhưng không thực thi triệt để trong nhiều năm qua, giờ xử lý một trường hợp khiến người dân thấy bất an. Theo tôi, nên sửa đổi quy định, chỉ xử phạt các địa điểm kinh doanh ngoại tệ không đúng quy định. Nên bỏ quy định phạt đối với người đi đổi ngoại tệ vì bản thân họ không biết được nơi nào có đủ giấy phép hay chưa”, ông Thành nói.
Cần thêm nhiều điểm thu đổi hợp pháp
Về trường hợp của ông Rê, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng thực tế thị trường ngoại tệ tự do hiện nay giao dịch rất nhiều và xui lắm mới bị bắt. Ông Rê bán 100 USD tại tiệm vàng là hành vi vô tình sai phạm, luật hiện nay cho phép cá nhân sở hữu ngoại tệ, việc người thợ điện này bán USD chuyển sang tiền đồng tại tiệm vàng không được cấp phép là do không hiểu luật. Lỗi ở đây là tiệm vàng, đã kinh doanh là hiểu pháp luật mà cố tình vi phạm, hơn nữa tiệm vàng có động cơ vụ lợi từ việc mua bán USD này. Chính vì vậy, mức phạt của ông Rê là khá nặng, cơ quan chức năng cần chiếu cố các tình tiết để giảm mức xử phạt.
Theo ông Trần Thanh Hải, số lượng đại lý thu đổi này hiện còn quá ít. Mục tiêu chống đô la hóa, ổn định tiền đồng là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn cần phải thực hiện. Để không xảy ra các trường hợp như ông Rê, cần tăng cường mở rộng các điểm thu đổi ngoại tệ, các đại lý này hoạt động ngoài giờ và có vị trí ở những nơi đông người. Đồng thời, đưa ra biện pháp kiểm soát các hành vi lạm dụng mua bán ngoại tệ trái phép của các đại lý.
Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Công an Cần Thơ khẳng định việc xử phạt đúng quy định
Ngày 24.10, Công an TP.Cần Thơ đã phát thông báo chính thức về việc đề nghị UBND TP.Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng; tịch thu 2,26 triệu đồng mà ông Rê đổi được từ 100 USD là theo điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Thông báo của Công an TP.Cần Thơ cũng cho biết căn cứ vào luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức và cá nhân vi phạm có thể thực hiện các yêu cầu sau để giảm nhẹ việc nộp phạt: đề nghị tiền nộp phạt nhiều lần (theo quy định tại điều 79) hoặc đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại điều 76; hay đề nghị giảm, miễn tiền phạt theo quy định tại điều 77. Trường hợp ông Rê có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn gửi UBND TP.Cần Thơ xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Mai Trâm
|
Bình luận (0)