Không phải sự cố bán độ của các cầu thủ The Vissai Ninh Bình bị vỡ ra, người hâm mộ mới thực sự bàng hoàng về tiêu cực của bóng đá nước nhà. Bởi trong các lý do có sự dung túng và thiếu kiên quyết của VFF, VPF.
|
Sau vụ các tuyển thủ U.23 làm độ ở Bacolod (Philippines) năm 2005 bị lôi ra ánh sáng và đã có các mức án phù hợp, những tưởng với sự trừng trị đó tiêu cực sẽ giảm thiểu. Thế nhưng nhiều năm qua, chuyện bán độ không những đã không được xử lý kịp thời, triệt để mà còn có biểu hiện dung dưỡng từ Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) cũng như một số CLB, dẫn đến nhiều cầu thủ tham gia chơi độ với nhiều hình thức khác nhau. Năm 2013, Ban Tư vấn đạo đức (TVĐĐ) ra đời, bằng những phân tích chặt chẽ, kinh nghiệm thực tiễn, tư liệu phong phú và quyết tâm góp phần làm trong sạch hóa môi trường bóng đá, đã mạnh dạn “chỉ mặt đặt tên” rất nhiều trận đấu, nhiều cầu thủ có biểu hiện tiêu cực. Nhưng đáng tiếc là tâm huyết và sự đóng góp của họ đã không được nhìn nhận nghiêm túc.
Đầu tiên là nghi án “thua tài” - thua với tổng bàn thắng là 4 bàn - trong trận Siêu cúp quốc gia 2012 giữa Xi măng Xuân Thành Sài Gòn (XMXTSG) và SHB Đà Nẵng trên sân Chi Lăng. Trước trận đấu này, Ban TVĐĐ đã cảnh báo thông tin “kèo” ra trận này XMXTSG sẽ thua và tổng bàn thắng sẽ ít nhất 4 bàn đều trong hiệp 2. Thực tế trận đấu đã diễn ra đúng như vậy khi nhiều vị trí của XMXTSG chơi vật vờ, như Hải Anh chuyền bóng ngay vào chân Quốc Anh của SHB Đà Nẵng để thua dễ dàng. Vào thời điểm đó, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an (C45) đã nhanh chóng thụ lý vụ việc, nhưng vẫn chưa có kết luận nào đưa ra, nên cái án này vẫn còn treo lơ lửng.
Trận XMXTSG thua 1-3 trước Đồng Nai trên sân Thống Nhất cũng được Ban TVĐĐ đưa vào tầm ngắm và cảnh báo chủ nhà sẽ “thua tài”. Thực tế, một số vị trí chủ chốt của đội bóng TP.HCM trong trận này đã chơi bất thường. Thủ môn Minh Nhựt tự ý bỏ cầu môn lao ra ngoài khu vực 16 m 50 khi vẫn còn hậu vệ của mình kèm tiền đạo Henry của Đồng Nai. Chính cú lao ra đó đã góp phần giúp XMXTSG “ấn định” tỷ số với tổng bàn thắng trận này là 4 bàn. Rồi trận XMXTSG thua Becamex Bình Dương 0-3 trên sân Gò Đậu cũng được Ban TVĐĐ thông báo cho VPF và ban tổ chức giải những biểu hiện bất thường. Hay trận Đà Nẵng thua Ninh Bình 1-4 đã được Ban TVĐĐ mổ xẻ từ nhiều tư liệu để khẳng định trận này có tiêu cực, nhưng lãnh đạo VFF, VPF đều “nhắm ban tổ chức làm ngơ”, thậm chí trưởng ban tổ chức còn phát biểu khen “trận đấu hay và không có gì bất thường”. Đến khi Ban TVĐĐ cảnh báo trận XMXTSG sẽ “thua tài” trước Kiên Long Bank Kiên Giang (tổng bàn thắng ít nhất 4 bàn) thì lãnh đạo VFF, VPF mới “sợ hãi trách nhiệm”, vào cuộc khi không còn gì bào chữa cho đội khách “buông” lộ liễu 1-3. Khi đó, án kỷ luật mới đưa ra cho XMXTSG.
Những phát hiện như thế lẽ ra cần phải được VFF, VPF cầu thị hoặc phối hợp tích cực để mời cơ quan điều tra xem xét xử lý từ đầu. Song họ đã không làm kiên quyết và không trân trọng những đóng góp từ Ban TVĐĐ. Trong cuộc họp tổng kết sau mùa giải tại TP.HCM, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (khi đó còn là Phó chủ tịch VFF) lớn tiếng phê phán Ban TVĐĐ là dựa vào tin nhắn rác để nêu lên chuyện tiêu cực, làm rối loạn bóng đá VN. Phát biểu này của ông Dũng đã bị Phó ban TVĐĐ Nguyễn Văn Vinh phản bác kịch liệt vì cho rằng đó là thái độ thiếu hợp tác của lãnh đạo VFF. Bởi nếu VFF, VPF còn suy nghĩ như thế chẳng khác nào bao che cho cái xấu nhởn nhơ. Chuyện của The Vissai Ninh Bình thực tế đã làm xúc phạm và tổn thương niềm tin của người hâm mộ với bóng đá VN.
Xuân Anh
>> Truy thêm cầu thủ tiêu cực
>> Nghi phạm số 1 vụ tiêu cực ở V.Ninh Bình vẫn chưa lộ diện
>> Cầu thủ dính tiêu cực của Ninh Bình tiếp tục bị điều tra
>> AFC hối thúc VFF kết thúc vụ tiêu cực V.Ninh Bình
>> Tiêu cực V.Ninh Bình 2014 lớn hơn vụ U.23 Việt Nam năm 2005
Bình luận (0)