Trần Lập kiện VNG đòi nhuận bút bản quyền 'Đường đến ngày vinh quang'

03/12/2014 16:50 GMT+7

(TNO) Cho rằng Công ty VNG đăng tải bài hát "Đường đến ngày vinh quang" nhưng chưa trả tiền nhuận bút, phía nghệ sĩ Trần Lập đã khởi kiện.


Trần Lập trong một buổi giao lưu, tăng đĩa cho fan hâm mộ - Ảnh: Đan Hạ

Kiện vì "quên" nhuận bút của tác giả

Sáng 3.12, vì tính chất phức tạp của vụ án, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, ra quyết định nghị án kéo dài 5 ngày đối với vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là nghệ sĩ Trần Quyết Lập (nghệ danh Trần Lập) và bị đơn là Công ty cổ phần VNG (viết tắt VNG).

Tại phiên tòa, đại diện ủy quyền phía nghệ sĩ Trần Lập vẫn khẳng định giữ nguyên ba yêu cầu khởi kiện.

Cụ thể, người đại diện nghệ sĩ Trần Lập cho biết: Trần Lập là tác giả và chủ sở hữu đối với bài hát Đường đến ngày vinh quang. Tuy nhiên, thời gian qua, Trần Lập phát hiện bị đơn là Công ty VNG, chủ trang mạng xã hội trực tuyến http://mp3.zing.vn đã sử dụng bản ghi âm bài hát nêu trên để công chúng nghe, xem và tải về.

"Về nguyên tắc, theo quy định của luật sở hữu trí tuệ thì bị đơn khi đăng tải bài hát trên là không cần phải xin phép Trần Lập nhưng phải có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao", đại diện nguyên đơn nói.

Cũng theo phía nguyên đơn, với giá 30 đồng/lượt nghe hoặc tải, chỉ bằng 1/10 giá được áp dụng tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì VNG phải trả cho tác giả gần 56 triệu đồng/hơn 1,8 triệu lượt nghe và dowload.

Nhằm chứng minh việc yêu cầu VNG phải trả nhuận bút là có cơ sở, phía Trần Lập nêu: Tại khoản 2 Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định, tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm... đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại trong trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao".

Yêu cầu thứ hai, cho rằng việc trang mạng xã hội mp3.zing.vn đăng tải bài hát trên để công chúng nghe trực tuyến, dowload đã khiến Trần Lập không phát hành được CD tuyển tập những bài hát hay. Từ đó, cơ hội ra CD vì thương mại hóa không thành, khiến Trần Lập mất một khoản thu nhập nên nguyên đơn đề nghị phía VNG phải bồi thường thiệt hại phát sinh 50 triệu đồng.

Ngoài ra, Trần Lập cũng yêu cầu bị đơn phải bồi thường chi phí luật sư 50 triệu đồng mà ông đã bỏ ra để thuê luật sư, đại diện cho ông tranh tụng tại tòa. "Yêu cầu này của chúng tôi là có cơ sở, bởi Điều 205 luật sở hữu trí tuệ cũng cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư", đại diện nghệ sĩ Trần Lập khẳng định.

"Ai đăng thì người đó chịu trách nhiệm"

Không đồng tình với các yêu cầu của Trần Lập, VNG khẳng định không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trần Lập nên không bồi thường.

"Mp3.zing là trang mạng xã hội, VNG tạo lập nên trang web và chỉ cung cấp nền tảng cho trang web, còn nội dung của trang web là do người dùng tự úp lên, nghe, bình luận, trao đổi. Ai đăng lên thì người đó phải chịu trách nhiệm. Phía VNG không phải là người đăng tải bài hát Đường đến ngày vinh quang nên Trần Lập kiện VNG là không có cơ sở", đại diện phía VNG trình bày.

"Muốn được bồi thường thì phía nghệ sĩ Trần Lập phải chứng minh được VNG là tổ chức khởi đầu đăng tải và truyền đưa bài hát lên mạng xã hội mp3.zing. Và VNG cũng khẳng định lại một lần nữa, VNG không phải là người đưa bài hát này lên mp3.zing mà là do công chúng tự đưa lên", phía VNG tranh luận.

Dù không thừa nhận sai, nhưng sau khi được HĐXX gợi ý hòa giải, VNG đưa ra phương án: "Chấp nhận số tiền mà nghệ sĩ Trần Lập yêu cầu gồm hơn 150 triệu đồng nhưng Trần Lập phải đồng ý bán 35 bài hát còn lại của ông với giá 100 triệu đồng trong 10 năm. Còn tiền hoa hồng sẽ có hợp đồng cụ thể".

Do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong hòa giải, phiên tòa tiếp tục xét xử và sẽ tuyên án vào sáng 10.12 tới.

Phan Thương

>> Nhạc sĩ Trần Lập làm 'hạm trưởng
>> Trần Lập đạo diễn 'Rock Concert 2014
>> Giấc mơ Internet mang tên VNG
>> VNG “tấn công” game mobile

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.