Tôi may mắn đọc thơ của nhà thơ Trần Lê Anh Tuấn ngay từ những bài đăng đầu tiên, cách đây khoảng mươi năm. Và nay, 36 tuổi, anh ra tập thơ đầu tay Phố trọ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 8.2024) với 27 bài.
Thơ không kể dày mỏng, ngắn dài, ít nhiều. Thế nhưng khách mộ điệu cũng hơi sốt ruột khi thấy anh cứ đăng đi đăng lại cũng chỉ mấy bài đếm đầu ngón tay. Hóa ra anh cẩn trọng, nghĩ nhiều viết chắt lọc, tự làm khó mình trước hàng ngũ làm thơ ngày càng trùng điệp.
Thơ Trần Lê Anh Tuấn kiệm lời. Ví như, anh thả bút thể 4 chữ:
Đỏ đêm trôi mãi
Dòng thuở xưa xanh
Tưởng tượng chẳng thể
Khép những chòng chành
(Sông Ba)
Một góc nhìn định vị về một nghề - người:
Ông luồn sợi chỉ qua đêm
Mưa bão vần vũ một thời
Ông luồn sợi chỉ mỗi ngày
Đường kim lầm lũi mùa đi
(Người thợ may)
Hầu hết trong tập đều là thơ thể tự do. Thơ của Trần Lê Anh Tuấn đứt gãy, nhảy nhịp, chất chứa, bung thả, miên man:
Gió vẫn thổi trên cầu
Mình lỡ nhịp ánh trăng
Thị trấn trong phong thư nhỏ
Anh mang theo bao nẻo mịt mù
(La Hai)
Góc phố nào không ủ rũ
Ngôi nhà nào không chông chênh
Con sóng nào không thao thức
Chân trời nào không khổ đau
Mà em là hải âu bay trong khí quyển anh
Em hãy đến như giông tố ngoài khơi
(Nơi chốn)
Em kéo cao cổ áo mưa phùn
Tôi cho tay vào gió bấc
Những ngọn gió nhóm lửa vỉa hè
Đêm rét ngọt môi xưa
(Nhớ Tuy Hòa)
Tôi gọi tên nhà thơ
Bằng triệu ngọn sóng mất ngủ
Tôi xin đặt xuống đây
Một chiếc bóng cuối trời lam lũ
(Mộ nhà thơ)
Với tôi, đừng hỏi tuổi nhà thơ. Tự khởi nguyên thơ đã thuộc về tuổi trẻ. Phong độ đỉnh cao của sáng tạo thơ luôn về tay tuổi trẻ, tuổi sung mãn đời người. Bởi gốc của thơ là cảm xúc, là trào dâng, là phi thường. Mà phi thường chỉ có ở tuổi trẻ. Thử điểm qua ngút ngàn thi sĩ, mấy ai tạo được thơ hay khi về già, ít nhất là so với chính họ. Lịch sử thi ca cũng ghi nhận: những tập thơ đầu tay thường là đỉnh cao sự nghiệp của các nhà thơ.
Bình luận (0)