Đây là vở diễn đặc biệt trong chương trình kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Đoàn múa ba lê Khám Phá (2005 - 2010) do người sáng lập là Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh làm tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa.
Xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu ba lê vào năm 1871 do biên đạo múa nổi tiếng người Nga Marius Petipa dàn dựng, vở ba lê Đôn Kihôtê đã chinh phục hàng triệu trái tim trên toàn thế giới bởi cốt truyện hấp dẫn và các kỹ thuật múa đôi tuyệt đỉnh.
Theo giới chuyên môn, vở ba lê Đôn Kihôtê đã và sẽ luôn là một tuyệt phẩm, một đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn mà bất cứ nhà hát ba lê danh tiếng trên thế giới nào cũng mong muốn đạt tới, bởi sự hoành tráng của vở, sự lãng mạn - quyến rũ của âm nhạc, cùng dàn diễn viên đồ sộ, thể hiện các kỹ thuật ba lê ở trình độ đỉnh cao trên một sân khấu tráng lệ.
Vở ba lê Đôn Kihôtê do Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh biên đạo múa kiêm tổng đạo diễn; m nhạc: Ludwig Minkus; Biên đạo dàn dựng: Cao Chí Thành; Thiết kế ánh sáng: Nguyễn Văn Mợi; Trang phục: Đào Khánh Diệp; do tập thể 60 diễn viên nam, nữ Đoàn múa ba lê Khám Phá biểu diễn. |
Không chỉ là vở diễn có số lượng diễn viên lớn nhất (60 người), thời lượng dài hơi nhất (trên 120 phút), vở diễn này còn độc đáo ở chỗ: lần đầu tiên khán giả xem ba lê sẽ được chứng kiến sự kết hợp giữa nghệ thuật xiếc và nghệ thuật múa ba lê. Nhiều khán giả nước ngoài đã trầm trồ kinh ngạc khi thấy một con trăn lớn bất ngờ xuất hiện trên sân khấu cùng với nghệ sĩ xiếc Tống Toàn Thắng. Không chỉ là nét điểm xuyết đặc biệt, sự xuất hiện của "diễn viên" đặc biệt này cũng gây ra những hiệu ứng đặc biệt với khán giả thủ đô.
Dưới đây là một số hình ảnh của vở ba lê Đôn Kihôtê do Thanh Niên Online ghi lại:
|
Bài, ảnh: Trường Sơn
Bình luận (0)