"Ơ cái gió Tuy Hòa...
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng.
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại lưng chừng
Gió nghĩ,
Gió cười,
Gió reo lên lồng lộn"
Trần Mai Ninh đấy! Và bắt đầu từ ngọn gió dữ dội ấy, thơ Việt hiện đại có thêm một nhà thơ, một bài thơ bất tử: bài Nhớ máu. Hãy đọc lại bài thơ này với niềm đam mê, với tình yêu, và chúng ta sẽ thấy, cái nhịp thơ Nhớ máu ấy chính là nhịp rock, một loại hard rock mà ngay tới bây giờ cũng chưa dễ thưởng thức được trọn vẹn. Thơ bắt đầu từ ngôn ngữ, nhưng trên cả ngôn ngữ, siêu-ngôn-ngữ chính là nhịp thơ, chứ không phải vần thơ. Nhịp thơ đẩy bài thơ vọt lên phía trước, ấn vào vô thức người đọc, khuấy động tận đáy sâu tâm cảm người đọc. Đã nhiều năm tôi đọc Nhớ máu, ở nhiều hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau, và sau cùng, cái "ấn" vào tôi sâu nhất vẫn là nhịp (rhythm), cái nhịp kỳ lạ của bài thơ này:
"- A, gần lắm!
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt.
Ơ hỡi, Nha Trang!
Cái đô thành vĩ đại"
Bạn có nghe nhịp rốc-cứng, metal-rock trong những dòng thơ gằn xuống, thở trào lên, lay giật, xối xả, cuống quít ấy không? Một ca sĩ hard-rock sẽ phải toát đầm đìa mồ hôi khi thể hiện một khúc rock như thế này. Và đó chính là hạnh phúc của Thơ, cái hạnh phúc thường hiếm hoi, kén chọn, quay quắt, cái hạnh phúc không bao giờ cho không bất cứ nhà thơ nào mà không đòi phải trả giá. Trần Mai Ninh đã phải trả giá bằng chính cuộc đời mình cho bài thơ Nhớ máu. Giống như Lorca khi viết bài thơ định mệnh Bi ca cho Ignacio Sanchez Mezias ông đã kêu lên: "Tôi không muốn nhìn thấy máu", thì đó chính là máu của ông, máu của một nhà thơ Tây Ban Nha vĩ đại. Trần Mai Ninh đã "nhớ máu", và đó cũng là máu của chính ông, một nhà thơ Việt Nam quyết tử. Không chỉ "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", mà còn quyết tử cho Thơ, cho sự đổi mới toàn diện Thơ:
"Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người,
Cả hồn ta sát tới"
Đó là phút giây của xuất thần, của vô thức, của trào dâng, Thơ vọt ra như máu xối - máu của người yêu nước quyết tử, máu của nhà thơ tự do cả thân xác lẫn tâm hồn. "Ơ, những người! - Đen như mực, đặc thành keo - Tròn một củ - Những người gầy sắt lại - Mặt rẹt một đường gươm - Lạnh gáy...". Họ là những chiến binh của nhân dân, một nhân dân dữ dội, quật khởi, bừng ngộ, xứng đáng với một Tổ quốc mới. Tôi nghĩ, nếu không có những phút xuất thần dâng hiến trọn vẹn ấy nơi mỗi người chiến sĩ, mỗi người lính bình thường, thì chúng ta lấy đâu ra chiến thắng sau cùng? Và không có những bài thơ hy sinh toàn diện cho Thơ như bài Nhớ máu, thì lấy đâu ra thơ Việt hiện đại với những bước đi khó nhọc, khổ nạn nhưng chưa bao giờ chịu lùi:
"Dao găm để gáy
Súng màng tang
Chúng nó rú
Cả trại giặc kinh hoàng
Quy-lát khua lắc cắc
Giầy đinh xôn xao
Còi và kèn..."
Cứ như bạn đang coi một trường đoạn "hot" (nóng) nhất trong phim hành động! Thơ có thể hóa thân không chỉ vào âm nhạc, hội họa, điêu khắc, mà cả vào điện ảnh nữa! Và những montage dứt điểm trong bài Nhớ máu là những montage mà một đạo diễn điện ảnh mạnh tay nghề có thể thưởng thức sâu sắc. "Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai" Trần Mai Ninh có thể thấy bài thơ của mình ròng ròng nơi "tối cao vinh dự". Nơi ấy, chắc chắn không phải là một giải thưởng, dù là giải thưởng to đến đâu! Nơi ấy, là hồn dân tộc, là khí huyết bừng bừng của những người yêu nước trung trực, là nơi "Việt Nam rồi đứng dậy - Sáng vô chừng!".
Kỷ niệm ngày Thương binh-liệt sĩ 27/7
Thanh Thảo
Bình luận (0)