Tràn ngập dịch vụ bán trú hè: Quản lý thế nào?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/05/2024 06:20 GMT+7

Nhiều cá nhân, đơn vị quảng cáo cung cấp dịch vụ bán trú hè. Nhưng có phải ai cũng tổ chức 'bán trú hè' cho trẻ được không? Quản lý thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ?

NHIỀU VĂN BẢN QUY ĐỊNH

Tháng 1.2021, UBND TP.HCM có văn bản số 90/UBND-VX về tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Trước đó, UBND TP cũng đã ban hành hai công văn số 6692/UBND-VX ngày 22.11.2016 và 3221/UBND-VX ngày 20.7.2018 để chỉ đạo UBND quận/huyện và các sở ngành tăng cường quản lý các trung tâm, cơ sở trông giữ trẻ em ngoài giờ học.

Tràn ngập dịch vụ bán trú hè: Quản lý thế nào?- Ảnh 1.

Phụ huynh cần tỉnh táo khi tìm nơi cho con học kỹ năng, học bán trú trong dịp hè

NHẬT THỊNH

UBND TP.HCM chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa UBND các phường, xã, thị trấn và các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập (các trường đại học - phổ thông - mầm non, các trung tâm ngoại ngữ - tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống...) trên địa bàn.

UBND TP.HCM chỉ đạo các quận, huyện "tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ, nhất là những điều kiện nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, nghiêm cấm hoạt động dạy thêm trong các cơ sở dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ".

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM chỉ đạo: "Tuyệt đối không để các cơ sở hoạt động không phép (công khai danh sách tại http://dichvugiaoduc.hcm.edu.vn/).

Đầu năm 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM có công văn số 100/SGDĐT-GDNCL về chấn chỉnh tình hình hoạt động các đơn vị tham gia tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; trong đó có đề nghị: "Các đơn vị triển khai tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định hiện hành sau khi được Sở GD-ĐT cấp phép hoạt động; đảm bảo an toàn và tách bạch với các hoạt động giáo dục khác theo quy định".

Tháng 3.2024, UBND TP.HCM cũng ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT và các sở, ban, ngành, Cục Thuế TP.HCM, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM.

CHƯA CÓ GIẤY PHÉP CẤP RIÊNG CHO HOẠT ĐỘNG "BÁN TRÚ HÈ"

Chủ một cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết trên thực tế ở địa bàn cơ sở của chị, việc quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất nghiêm, đơn vị kiểm tra liên ngành của phường, quận, thường xuyên xuống kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn cho trẻ em…

Cán bộ phòng GD-ĐT ở một quận cho hay UBND TP.HCM đã có các văn bản về tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM; phòng GD-ĐT cũng được cấp quận chỉ đạo phối hợp các phòng, ban liên quan thành lập tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo đảm trẻ ở các cơ sở, trung tâm được chăm sóc, bảo vệ an toàn. Song đây chỉ là những công văn hướng dẫn thực hiện hoạt động giữ trẻ ngoài nhà trường. Hiện nay vẫn chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ sở muốn làm dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ học/bán trú ngoài nhà trường; như diện tích phòng tối thiểu/trẻ em bao nhiêu, các trang bị tối thiểu ở cơ sở, xử phạt ra sao nếu vi phạm… Hiện nay chưa có giấy phép cấp riêng cho hoạt động bán trú ngoài nhà trường, "bán trú vệ tinh", "bán trú hè" ngoài nhà trường...

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định Sở GD-ĐT không ra bất cứ văn bản nào liên quan đến từ ngữ "bán trú vệ tinh". Nếu đơn vị, trung tâm nào ngoài nhà trường muốn tổ chức hoạt động nào, thì phải xin phép địa phương, cấp phường, xã, quận, huyện. Những trung tâm nào hoạt động không đúng, thì quận, huyện phải có trách nhiệm quản lý nhà nước với các nội dung này.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết thêm: ""Bán trú hè" ngoài nhà trường là dịch vụ thỏa thuận giữa phụ huynh và đơn vị, không có văn bản nào quy định đơn vị nào được tổ chức bán trú ngoài nhà trường. Việc quản lý (các đơn vị làm bán trú ngoài nhà trường - PV) theo quản lý nhà nước của cấp quận, huyện, về an toàn thực phẩm, về tất cả nội dung…, Sở GD-ĐT không có bất kỳ văn bản nào chỉ đạo liên quan đến tổ chức bán trú ngoài nhà trường".

Ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh các công ty, trung tâm, đơn vị giáo dục ngoài công lập phải có văn bản, quyết định cho phép tổ chức hoạt động giáo dục do Sở GD-ĐT đã cấp. Các trung tâm này nằm ở địa bàn quận huyện nào, thì quận huyện đó phải tổ chức kiểm tra. Nếu trung tâm, đơn vị trên hoạt động không đúng trong giấy phép thì xử lý; nếu tổ chức hoạt động trái với giấy phép là đơn vị đã làm sai. Quận, huyện phải có trách nhiệm quản lý nhà nước, xử lý theo quy định. Sở GD-ĐT chỉ cấp phép quản lý chuyên môn, đơn vị nào dạy sai, Sở GD-ĐT xuống xử lý. "Sở không quản lý bán trú với cơ sở giáo dục ngoài nhà trường", ông Minh khẳng định.

Tràn ngập dịch vụ bán trú hè: Quản lý thế nào?- Ảnh 2.
Tràn ngập dịch vụ bán trú hè: Quản lý thế nào?- Ảnh 3.

Nhiều thông tin về các lớp bán trú hè được rao trên mạng 

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH 

GIỮ TRẺ KHÔNG ĐÚNG CHỨC NĂNG CHO PHÉP, CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC PHÁP LUẬT

Một cán bộ đang làm việc trong ngành giáo dục của TP.HCM cho biết với các địa điểm giữ trẻ, bán trú tự phát, không được cấp phép…, nằm ở trên địa bàn phường xã nào, thì phường xã phải chịu trách nhiệm.

Do đó, trong các văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở luôn yêu cầu phòng GD-ĐT các địa phương phải thường xuyên kết hợp với các phường xã, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện địa điểm giữ trẻ tự phát để kịp thời xử lý.

Vị này cũng cho biết các đơn vị kỹ năng sống, ngoại khóa, nghệ thuật… ở trên địa bàn nào, thì địa bàn đó phải chịu trách nhiệm kiểm tra, xem họ hoạt động có đúng trong giấy phép được cấp không, đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công không. "Các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục cứ căn cứ thực hiện đúng Thông tư 49 của Bộ GD-ĐT, và được phép giữ trẻ bán trú.

Còn các cơ sở khác, nếu giữ trẻ không đúng chức năng được cho phép, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phường xã phải tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào chỉ được cấp phép trong giấy phép là dạy học tiếng Anh, mỹ thuật, hát múa… theo giờ, chứ không phải được phép tổ chức bán trú, mà vẫn rao bán, quảng cáo, tổ chức bán trú thì phải xử lý", vị này cho hay. 

Tỉnh táo lựa chọn nơi gửi con ngày hè

Phụ huynh nên tỉnh táo khi tìm nơi cho con học kỹ năng, học bán trú ngày hè để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con em; nên lựa chọn những nơi học đầy đủ giấy tờ pháp lý, được đăng ký với cơ quan quản lý địa phương.

Trong hè 2024, trường, lớp mầm non ở TP.HCM được phép giữ trẻ. Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động hè 2024. Thời gian tổ chức các hoạt động hè này từ ngày 17.6 đến hết 16.8.2024.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Các phòng GD-ĐT các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức hoạt động hè theo nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ, việc tự nguyện đăng ký tham gia của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị".

Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh: "Các phòng GD-ĐT phải có kế hoạch kiểm tra hoạt động cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn dịp hè 2024; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể giám sát hoạt động giữ trẻ. Bên cạnh đó, phải phân công cán bộ quản lý trực, giải quyết công việc, thực hiện các nội dung báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu".

Trong thời gian hè, các cơ sở giáo dục mầm non cần xây dựng kế hoạch tổ chức giữ trẻ trong hè đảm bảo chế độ sinh hoạt cho trẻ, tăng cường các hoạt động vui chơi, trải nghiệm. Cần tổ chức các câu lạc bộ kỹ năng rèn luyện thể lực; duy trì chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, chế độ dinh dưỡng theo quy định; phòng chống dịch bệnh; an toàn sức khỏe cho trẻ, an toàn trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.