Trăn trở, linh động để duy trì gần 2.000 lao động

13/10/2022 10:45 GMT+7

“Trưa nay bếp nấu món gì? À tôm kho thịt, nhìn ngon quá, tôi thử một miếng xem!” , vừa nói ông vừa cười ngay khi bước vào nhà bếp của công ty trước giờ chuẩn bị ăn trưa.

Sau một vòng thoăn thoắt đi lại giữa các bộ phận sản xuất, tinh thần năng động, nhiệt huyết của “ông chủ” Công ty giày Viễn Thịnh dường như lan tỏa cho toàn thể nhân viên.

Ông Trần Thế Linh trao đổi với đối tác

Đào Ngọc Thạch

Dồn sức giữ chân người lao động

Trao đổi với người viết trong một buổi sáng cuối tháng 9, ông Trần Thế Linh - Giám đốc Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (Khu công nghiệp Long Hậu, Long An) - bày tỏ nỗi lo vì đơn hàng lao dốc trong 6 tháng cuối năm. Nếu như trong 6 tháng đầu năm, lượng đơn hàng xuất khẩu vẫn dồi dào thì bước sang quý 3/2022, khách hàng “quay xe” ngoài dự báo. Theo ước tính, đơn hàng của công ty trong 6 tháng cuối năm đã giảm khoảng 40% so với đầu năm. Chẳng hạn, trước đây khách hàng đặt mỗi mã sản phẩm là 30.000 - 50.000 đôi thì nay chỉ đặt hàng khoảng 5.000 - 10.000 đôi theo kiểu thăm dò vì sức tiêu thụ quá thấp. Vị giám đốc này tâm sự: Đầu năm thì lo kiếm công nhân, giờ thì lo kiếm đơn hàng. Lúc đầu dự kiến năm 2022 công ty sẽ sản xuất khoảng 4 triệu đôi giày nhưng đến giờ ước tính chỉ làm được khoảng 3 triệu đôi. Quan trọng hơn khi lượng đơn hàng toàn cầu sụt giảm, bản thân ông và những người lãnh đạo công ty phải tìm kiếm nguồn hàng giữa sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ khắp nơi, nhất là Trung Quốc. Nếu như trước đây, đơn giá gia công bình quân khoảng 12,6 USD/đôi thì nay giảm xuống còn 10 - 10,6 USD/đôi. “Một mã hàng khi đối tác chào trong nhóm thì thậm chí có những doanh nghiệp chào giá sản xuất chỉ 9,5 - 9 USD/đôi. Nếu như những tháng đầu năm mình sẽ bỏ qua vì không có lời. Nhưng hiện nay cũng phải cân nhắc, chấp nhận giá thấp dù biết là sẽ không có lời. Bởi lượng hàng đã ký được từ nay đến tháng 10 cũng chỉ đủ để công nhân làm 3 ngày/tuần. Nếu không có đơn hàng mới thì có khi công nhân phải chơi nhiều hơn. Từ đó họ lại không có thu nhập. Trong ngành sản xuất như da giày, quan trọng nhất là phải giữ được lực lượng lao động. Nếu để công nhân nghỉ thì sau đó dù có nhà máy, trả lương cao hơn cũng sẽ rất khó tìm lại được và cơ hội hồi phục rất hiếm. Nhất là công nhân da giày chủ yếu ở các tỉnh miền Tây, một khi đã về quê và có việc làm khác sẽ hiếm khi quay trở lại công ty”, ông Linh tâm sự.

Chăm lo đời sống công nhân từ bữa ăn hay đầu tư thiết bị lọc nước uống đảm bảo sức khỏe. Và khi đơn hàng ít đi, công nhân chỉ làm việc nửa thời gian so với trước, đồng nghĩa với thu nhập của họ sụt giảm khoảng 30% đã khiến vị lãnh đạo này trăn trở, lo âu. Hơn hết, ông chấp nhận công ty có thể không có lời, thậm chí lỗ nhưng thu nhập của công nhân không thể giảm hơn được nữa. Đặc biệt, số lượng lao động của Viễn Thịnh vẫn đang duy trì gần 1.900 người. Trong khi thời điểm đơn hàng “full” nhất thì nhà máy cũng chỉ lên đến 2.000 người. Điều đó mới thấy hết được lo âu của người đứng đầu doanh nghiệp để đảm bảo đời sống, thu nhập cho hàng ngàn gia đình.

Chủ động và linh hoạt

Đơn hàng sụt giảm đã khiến vị giám đốc công ty phải bươn chải nhiều nơi, trực tiếp gặp gỡ khách hàng ở các nước để tìm cơ hội đưa đơn hàng về cho nhà máy. Trong chuyến làm việc mới đây tại đại bản doanh của đối tác lớn nhất là Zara tại Tây Ban Nha, ông Linh đã chủ động đề xuất mở rộng thêm nhiều nhãn hàng. Đó là nhận làm luôn giày nam, giày trẻ em thay vì chỉ làm 2 nhãn hàng cơ bản cho phụ nữ như từ trước đến nay. “Khách hàng đã biết năng lực của công ty rồi. Nhưng vẫn phải cần gặp trực tiếp đối với những lãnh đạo của từng nhãn hàng để tìm hiểu, trao đổi về nhu cầu cụ thể. Sau đó, công ty được giao thiết kế thử cho một số nhãn hàng mới. Khách muốn làm thử 40 mẫu thì công ty làm luôn đến 120 mẫu nên khách hàng khoái quá vì đẹp, tốc độ lại giá rẻ. Cụ thể, chi phí một đôi giày thiết kế ở công ty chỉ có 300 USD/đôi, thấp hơn nhiều so với chi phí thiết kế ở Trung Quốc. Kết quả, công ty đã nhận được 6 nhãn hàng trên 14 nhãn hàng của đối tác này”, ông Trần Thế Linh chia sẻ.

Ông Trần Thế Linh hỏi thăm, trao đổi với công nhân tại nhà máy

Đào Ngọc Thạch

Như vậy ngoài việc may, dán đế… như trước đây thì đến nay Viễn Thịnh đã chủ động được nhiều khâu, từ thiết kế đến nguyên phụ liệu. Hơn thế nữa, 70% nguyên vật liệu đều được sản xuất ngay tại nhà máy, giúp Viễn Thịnh chủ động rất nhiều để đảm bảo hoàn thành giao hàng đúng hẹn. Ngay cả việc tự mua hạt nhựa để chế biến thành khuôn, đế… đều sẵn sàng ngay tại chỗ. Chỉ có những loại nguyên liệu như vải nhung, vải satin hay nhuộm vải trong nước không có thì Viễn Thịnh phải nhập khẩu từ các nước. Dù vậy, khi nói về tình hình thị trường, định hướng cho giai đoạn tới, ông chủ công ty giày này cho rằng rất khó dự báo. Tùy thuộc vào tình hình của mỗi công ty và phải linh hoạt theo thị trường. Ông nhấn mạnh: Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp da giày không thể nói chữ lời mà chỉ có lỗ ít hay nhiều. May mắn là do 6 tháng đầu năm đã thuận lợi nên ước tính cả năm 2022 Viễn Thịnh sẽ hòa. Sang năm sau thì càng phải linh hoạt, tùy thị trường thế giới.

Trái ngược với những gì khách hàng thường hay nghĩ đến một nhà máy giày bụi bặm, nóng nực, khi bước chân vào Nhà máy Viễn Thịnh, mọi người không cần mang khẩu trang. Từ ngoài cổng đến phòng thiết kế, may mẫu, thử mẫu hay thậm chí là những xưởng phun sơn, dán đế, may giày, hoàn thành… đều sạch sẽ. Đã 12 năm kể từ khi nhà xưởng đi vào hoạt động, mọi thứ vẫn còn mới như ngày đầu. Giám đốc Trần Thế Linh tự hào kể: Nhiều khách hàng châu Âu, Mỹ khi đến thăm nhà máy đều bất ngờ và nói “Không ngờ ở VN vẫn có nhà máy rộng và đẹp, hiện đại như vậy”. Bởi tiêu chuẩn của nhà máy là phải sạch, đẹp và an toàn như không có mùi hóa chất, mùi nhựa. Thậm chí nhiều phụ kiện cũng sử dụng nguyên liệu tự phân hủy, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của thế giới. Công ty cũng luôn đầu tư những dàn máy móc, công nghệ hiện đại để giúp năng suất tăng cao, đảm bảo mọi sản phẩm khi đến tay người dùng đều có chất lượng, an toàn cao nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.