Tại công trường thủy điện Lai Châu dường như không có khái niệm về thời gian. 11 giờ đêm, tiếng máy móc, tiếng chỉ huy của những người giám sát công trình hòa lẫn tiếng cười nói, thảo luận của công nhân càng làm không khí lao động rộn ràng, hối hả. Ngay trên hạng mục công trình bê tông đầm lăn (RCC) khu vực đập là 130 công nhân đang làm việc cùng với 20 chiếc xe lu, xe hút chân không, máy cẩu, máy xúc...
|
Anh Nguyễn Trọng Oánh, kỹ sư tại Trung tâm thí nghiệm Sông Đà hồ hởi: “Làm nghề này luôn phải xa gia đình, người thân, nhưng bù lại, chúng tôi rất tự hào vì mình là người lính chủ công trên công trình Thủy điện Lai Châu, cùng hàng vạn đồng đội chiến thắng thiên nhiên, làm ra dòng điện cho đất nước”.
Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Chánh Văn phòng Ban điều hành dự án thuộc Tổng Công ty Sông Đà cho biết mục tiêu trong tháng 7.2013 đối với hạng mục bê tông RCC là hoàn thành khối C2L và một phần khối C3L với tổng khối lượng 100.000 m3, các hạng mục chính của bê tông thường là 28.500 m3…
Không quản khó
Dưới trời mưa, tại công trình xây dựng tổ máy, 100 công nhân vẫn đang làm việc, trong đó có khoảng 10 công nhân nữ. Anh Trần Thanh Tùng, nhân viên kỹ thuật phòng quản lý kỹ thuật an toàn, Ban điều hành cho biết nữ hay nam công nhân đều làm khối lượng và đầu công việc như nhau.
Nhớ lại những ngày đầu mới đặt chân đến công trình, nhiều công nhân kể khi đó họ đã nghĩ đến việc trở lại miền xuôi do môi trường làm việc, môi trường sống vô cùng khắc nghiệt, gió Lào khô nóng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn.
“Khi đã thích nghi với môi trường sống và được làm việc, cùng sinh hoạt, ăn ở với các đồng nghiệp, tôi lại nghiện sống ở đây, về quê nghỉ vài ba ngày lại nhớ”, anh Trần Văn Hùng, công nhân trên công trình tâm sự.
Ông Nguyễn Hữu Hiểu nhớ như in câu chuyện cảm động diễn ra tại buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3.2011, Ban lãnh đạo tổ chức cho nữ công nhân, cán bộ trên công trường. Một nữ công nhân chia sẻ câu chuyện về cô con gái nhỏ đang ở quê, nhớ và đòi bố mẹ về sống cùng. Sau đó, Ban lãnh đạo đã đề xuất cho xây dựng một trường học mầm non và tiểu học nằm gần công trình để phục vụ việc học của con em cán bộ, công nhân.
“Chúng tôi xây dựng trường mầm non, tiểu học cho con em cán bộ công nhân viên học hành. Ngày lễ, Tết đều tổ chức gặp gỡ, giao lưu với công nhân, dân bản. Ngoài ra, Ban lãnh đạo còn hỗ trợ tiền cho mọi người về thăm nhà, giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn...”, ông Hiểu nói.
Chị Lê Thị Thúy (Thanh Hóa), công nhân Công ty Sông Đà 5 cho biết dù mệt mỏi, thậm chí bị ốm do thời tiết thay đổi liên tục nhưng chị và những công nhân trên công trường đều cố gắng làm việc, vì tiến độ công trình và vì miếng cơm manh áo.
“Nếu về quê, chỉ trông cậy vào việc trồng lúa, mía không đủ để nuôi 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Ở đây chúng tôi được rèn tay nghề, có thu nhập ổn định và quan trọng hơn là được sống trong một tập thể gắn bó, đoàn kết”, chị Thúy tâm sự.
Thi đua “4 nhất” Ngày 7.7 vừa qua, T.Ư Đoàn phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Sông Đà phát động phong trào thi đua “4 nhất” trên công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu gồm các tiêu chí: Sáng tạo nhất; Chất lượng cao nhất; Tiến độ nhanh nhất và An toàn nhất trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu. Đại diện 10 đơn vị đang tham gia thi công đã ký cam kết giao ước thi đua. |
Thảo Nguyên
>> “4 nhất” trên công trình Thủy điện Lai Châu
>> Đêm trên công trường Thủy điện Lai Châu
>> Chuẩn bị nhân lực cho Thủy điện Lai Châu
>> Khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu
>> EVN hoàn thành nhiều công trình lớn trong nửa đầu 2013
>> EVN khẳng định chưa đề xuất tăng giá điện vào 1/7
>> EVN lo thiếu điện tại miền Nam
Bình luận (0)