Ông Nam là một người sôi nổi, quyết đoán và đầy cá tính. Dáng người nhỏ, da sạm đen, nụ cười sảng khoái, suốt gần chục năm xây nhà máy, người ta thấy ông liên tục trên công trường. Khi nóng quá, ông bỏ mũ bảo hộ, nhiều khách lạ mới ngỡ ngàng khi thấy ông Nam để đầu trọc, rất khác vẻ đạo mạo của một giám đốc nhà máy trị giá tới 3 tỉ USD mà họ mường tượng.
Các kỹ sư trẻ vừa nể, vừa trọng ông Nam, cả về tính cách lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp. Đi đâu ông cũng kéo theo một vài cán bộ trẻ với yêu cầu: “Các cậu phải giám sát thật chặt việc lắp đặt, thi công nhà máy này, vì nó là nhà máy của các cậu. Bây giờ các cậu khổ thì sau này vận hành nhà máy, các cậu sẽ sướng”.
* Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành trước 3 năm so với quyết định đầu tư của Quốc hội, vậy ông làm thế nào để không bị động trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ vận hành nhà máy tới 2.400 MW này?
- Khi Thủy điện Sơn La bắt đầu xây dựng, đội ngũ kỹ sư trẻ có kinh nghiệm còn rất thiếu. Nếu chúng tôi tuyển dụng thêm cán bộ kỹ thuật giám sát từ nước ngoài sẽ rất khó, lại phải tốn thêm chi phí quản lý, đồng thời lại không gắn kết được công đoạn thi công, lắp đặt thiết bị với công đoạn thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử, vận hành ổn định sau này. Do đó năm 2007, hơn 100 kỹ sư đã được chúng tôi chọn lọc từ các trường đại học, cao đẳng trong nước, từ một số đơn vị trực thuộc EVN. Có lần tôi đã xuống tận trường để tuyển người rồi đưa đi đào tạo, tập huấn ở các thủy điện lớn như Hòa Bình, Yaly, Hàm Thuận…
|
Sau 1 năm rưỡi đào tạo, tập huấn phần lớn lực lượng cán bộ, kỹ sư này đã nắm bắt được những yêu cầu kỹ thuật cơ bản về nguyên lý hoạt động của nhà máy thủy điện. Do vậy, khi tiếp cận với những thiết bị công nghệ hiện đại ở Nhà máy thủy điện Sơn La đội ngũ này đã không bị bỡ ngỡ.
Nhiều cậu là người Sơn La đang học ở các nơi, tôi cũng kéo về rồi cho đi đào tạo. Họ được tham gia giám sát từ quá trình thi công, lắp máy nên hiểu rất rõ về cấu tạo từng bộ phận, chi tiết máy, từng khu vực của nhà máy nên khi tiếp cận, quản lý nhà máy, đội ngũ này đã có thể vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa được 6 tổ máy an toàn, liên tục, hiệu quả. Đến nay nhà máy đã phát trên 12,5 tỉ kWh điện, đạt doanh số khoảng 600 triệu USD.
* Từ thành công của Thủy điện Sơn La, ông có kế hoạch gì để chuẩn bị nhân sự cho Thủy điện Lai Châu đang được xây dựng?
- Nhà máy Thủy điện Sơn La được áp dụng công nghệ vận hành hiện đại, tính tự động hóa cao nên chỉ cần khoảng 300 người, nhưng chúng tôi đang có trên 400 người là tính cả việc chuẩn bị bộ khung cán bộ cho Thủy điện Lai Châu, công suất 1.200 MW dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Ngay từ năm tới, tôi sẽ để lại một số cán bộ chủ chốt ở đây rồi đưa những cán bộ trẻ lên Lai Châu tiếp tục tham gia từ quá trình giám sát thi công, lắp đặt. Chắc chắn các cán bộ trẻ của chúng tôi sẽ làm chủ nhà máy, vận hành hiệu quả.
K.Long - N.Đức
>> Mổ lợn ăn mừng thủy điện Sơn La
>> Nguồn sống mới từ hồ thủy điện Sơn La
>> Thủy điện Sơn La làm lợi 1 tỉ USD nhờ về đích sớm
>> Tháng 12, dự kiến khánh thành công trình thủy điện Sơn La
>> Hòa lưới tổ máy cuối cùng thủy điện Sơn La
Bình luận (0)