Trang phục Bánh mì của H’Hen Niê có đại diện cho hình ảnh Việt Nam?

Nguyên Trang
Nguyên Trang
23/11/2018 19:52 GMT+7

Ngày 29.11, hoa hậu H’Hen Niê sẽ lên đường sang Thái Lan tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 . Tuy nhiên, thiết kế cho phần thi trang phục dân tộc của cô đã gây nhiều tranh luận.

Ý tưởng hay, nhưng chưa đại diện cho tính văn hóa, dân tộc Việt 
Theo nhà thiết kế Mi Trang, Giám đốc thương hiệu Charfas, công ty từng tài trợ cho phần trang phục dân tộc cuộc thi Miss Grand International 2017, cho biết: “Nếu đứng từ góc độ trong nước, từ trước đến nay chưa có bộ trang phục dân tộc nào chọn hình ảnh bánh mì. Tôi đánh giá cao phần ý tưởng độc đáo, sáng tạo, dùng món ăn làm ý tưởng cho trang phục của hoa hậu. Tuy nhiên, nếu đứng từ góc độ của cuộc thi quốc tế, phần ý tưởng không mới. Nhiều hoa hậu các nước như Thái Lan từng chọn hình ảnh món Tom Yum, sầu riêng cho phần thi trang phục dân tộc rồi. Nên yếu tố bất ngờ là không có. Còn về phần biểu tượng, tôi chưa thấy hồn Việt qua hình ảnh bộ trang phục này, nó hơi giống cách mọi người tham gia thi hóa trang hơn là thi hoa hậu tại cuộc thi quốc tế”.
"Nếu đây là một show diễn mang tính giải trí thì bộ trang phục Bánh mì của H'Hen thực sự tạo được điểm nhấn. Nhưng nếu với phần thi trang phục dân tộc của quốc gia thì nên xem lại. Xét về tổng thể, đây là một bộ trang phục quá sexy, nhưng sự kết hợp giữa trang phục và phụ kiện (đội nón lá, bán bánh mì, mang giày hiện đại) không theo một tiêu chuẩn nào cả", nhà thiết kế Jenny Kim nhận xét  
Nhà thiết kế Nhật Dũng cho rằng bánh mì chưa thể đại diện cho văn hóa, dân tộc Việt trong một cuộc thi có tầm vóc quốc tế như Hoa hậu Hoàn vũ BTC
Vừa trở về từ show diễn thời trang áo dài kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhà thiết kế Nhật Dũng chia sẻ: “Hình ảnh phụ nữ Việt Nam mặc bộ trang phục áo dài là đẹp nhất, trong mắt người dân cũng như bạn bè quốc tế. Chúng ta có tài sản quý, bộ quốc phục tuyệt đẹp nhưng chưa tận dụng tốt trong một cuộc thi lớn như Miss Universe 2018 lần này. Nếu xét về biểu tượng, bánh mì là món ăn phương Tây, ở đâu chúng ta cũng mua được bánh mì. Người Pháp mang bánh mì sang Việt Nam, chúng ta xem đó như là hình ảnh mưu sinh của người Việt, món ăn đường phố, chứ không đại diện cho cả nền văn hóa. Giả sử nếu chọn bánh chưng, bánh giày, món ăn tiến vua, món ăn dâng lên tổ tiên ngày tết của người Việt là biểu tượng trên trang phục thì dễ hiểu hơn... Tôi cảm thấy khó hiểu về sự lựa chọn của ban tổ chức tư vấn cho H’Hen Niê tại cuộc thi này”.
Nhà thiết kế Vincent Đoàn nhận xét: Cá nhân Vincent thấy bộ trang phục Bánh mì rất độc đáo. Độc đáo từ ý tưởng cho đến cách dựng form trang phục. Vincent đồng ý với quan điểm của Hoa hậu H'Hen Niê là bánh mì mang tinh thần rất Việt Nam. Chẳng phải là đi tới đâu người ta cũng nghĩ đến khám phá ẩm thực đầu tiên, rồi sau đó đến du lịch, văn hóa và những thứ khác. Vậy nên với tư cách vừa là một nhà thiết kế, vừa là một người Việt thì tôi ủng hộ sự lựa chọn thú vị của H'Hen Niê. H’Hen Niê là một người rất thông minh và cá tính, tôi không bất ngờ trước sự lựa chọn này thay cho áo dài truyền thống. Cô ấy chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu sắc với ban tổ chức và thí sinh, cũng nhưng khán giả Miss Universe lần này.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân, nhà nghiên cứu văn hóa và văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chia sẻ: “Bánh mì thứ nhất là một sản phẩm của phương Tây (Pháp) được mang sang Việt Nam hơn 100 năm nay, là yếu tố kết hợp văn hóa Đông - Tây và hình thành một kiểu bánh mì riêng của Việt Nam với chất Việt Nam khác với các kiểu dùng bánh mì của dân tộc khác. Đây là một hình ảnh đẹp, kết hợp được sự giao lưu văn hóa Đông - Tây của Việt Nam nên về ý tưởng thì tôi thấy trang phục Bánh mì cũng ổn. Song vấn đề nằm ở chỗ, thứ nhất bánh mì là món quen thuộc ở miền Nam hơn miền Bắc. Bạn sống ở Sài Gòn hằng ngày có thể thấy rất nhiều xe bánh mì nhưng ở Hà Nội lại rất ít, các tỉnh phía Bắc cũng vậy, cho nên khán giả phía Bắc có thể thấy xa lạ với hình ảnh bánh mì.
Thứ 2, không phải người phương Tây nào cũng hiểu được bánh mì này là một dấu ấn văn hóa của Việt Nam, dù chỉ phổ biến ở phía Nam nhiều hơn mà họ có thể lầm tưởng H'Hen Niê đang trình diễn bánh mì của chính họ, của chính văn hóa ẩm thực của họ cho nên họ có thể ngỡ ngàng và không thấy đó là đặc trưng cho văn hóa Việt. Vì thế tôi không ủng hộ bộ trang phục này, vì nó không có tính tiêu biểu dù ý tưởng thì thú vị.
Thứ ba, về mặt hình thức tôi chưa thấy bộ trang phục dân tộc này đẹp hoàn hảo vì sự kết hợp giữa bánh mì với nón lá từ tre có phần khập khiễng. Là một người đã đi nhiều nước, tôi thấy rằng tâm lý người nước ngoài hay gắn áo dài với nón lá nhiều hơn. Mặt khác, dòng chữ Bánh mì Việt ở trên giấy gói bánh có phần nhỏ, không bắt mắt và bằng tiếng Việt trong khi thi Hoa hậu Hoàn vũ phải chú ý là dùng tiếng Việt vậy thì ai hiểu. Khán giả xem thi hoa hậu trên khắp thế giới qua truyền hình nên cần làm dòng chữ nổi bật hơn”.
Có nhiều biểu tượng khác phù hợp 
Tiến sĩ hà Thanh Vân chia sẻ thêm: “Vì tà áo dài truyền thống của Việt Nam đã quá quen thuộc tại các cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ và nhiều lần được các trang mạng chuyên về sắc đẹp chấm vào top 10 cho nên lần này muốn mới lạ tôi muốn thấy một bộ trang phục thời Hùng Vương, có thể là trang phục của mẹ Âu Cơ hay của công chúa Mỵ Nương cách điệu theo truyền thống văn hóa của tộc người Lạc Việt. Kèm phần thuyết minh nói rõ nguồn gốc chẳng hạn đây là trang phục của quốc mẫu Âu Cơ thì tôi thấy có lẽ có sức thuyết phục với ban giám khảo và khán giả nước ngoài hơn. Và đậm chất văn hóa Việt, nhấn mạnh nguồn gốc của dân tộc Việt, tự hào là con Rồng cháu Tiên”.
Nhà thiết kế Mi Trang đề xuất: “Để gợi ý cho phần trang phục dân tộc, tôi nghĩ mình nên chọn những hình ảnh, biểu tượng liên quan đến trang phục như áo dài, áo tứ thân… biểu tượng bánh mì, hay cảnh đẹp đất nước có thể là phần phụ, phần trang trí thêm trên trang phục thôi”.
“Chúng ta bỏ lỡ cơ hội rất tốt để giới thiệu hình ảnh quốc phục Việt trước bạn bè quốc tế. Chúng ta hoàn toàn có thể chọn áo dài với hoa văn là cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước, ẩm thực hay con người... tạo hình lên trang phục để giới thiệu cho thế giới hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam”, Mi Trang chia sẻ.
Độc đáo nhưng chưa phải trang phục dân tộc
Thiết kế mang tên Bánh mì trở thành trang phục dân tộc dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 của hoa hậu H’Hen Niê đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các bạn trẻ.
Nguyễn Sơn Tùng, 26 tuổi, giám đốc nghệ thuật của một số thương hiệu tại Úc và Việt Nam, nhận xét: “Nếu cuộc thi mang tính chất sáng tạo, dựa vào đặc trưng dân tộc để thiết kế thì bộ trang phục Bánh mì của H’Hen Niê độc đáo, màu sắc cũng đẹp. Tuy nhiên, nếu nói đây là trang phục dân tộc thì không. Bộ trang phục trên, ngoài chiếc nón lá thì các sản phẩm khác không phải cách điệu từ trang phục dân tộc”.
Anh Lê Văn Lên, nhà thiết kế chế tác trang sức đá quý Formation, cho rằng: “Là trang phục dân tộc dùng cho một cuộc thi tầm cỡ là Hoa hậu Hoàn vũ, chẳng lẽ chỉ có thể giới thiệu món ăn bánh mì như vậy sao…?”.
Trang phục dân tộc nhận nhiều ý kiến trái chiều Fanpage Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam
Đi ngược với ý kiến của nhiều bạn trẻ, chị Hồ Quỳnh Trang, phóng viên mục thời trang của ione.vnexpress.net, lên tiếng: “Mọi người vẫn thường đóng khung 'trang phục dân tộc' đồng nghĩa phải là áo dài, là áo tứ thân, là những bộ cánh gắn liền với chiều dài lịch sử của người Việt. Tuy nhiên điều đó chưa hẳn đã đúng với các cuộc thi sắc đẹp, nơi trang phục dân tộc không chỉ có nghĩa là quốc phục, mà còn mang ý nghĩa thời trang, đồng thời góp phần giới thiệu nền văn hóa, biểu tượng hay đặc trưng quốc gia, lãnh thổ của thí sinh. Tuy nhiên trang phục đính ổ bánh mì chưa phải là sáng tạo mới lạ trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Chẳng hạn như các đại diện Thái Lan, luôn mang đến những bộ trang phục dân tộc rất sáng tạo với những hình ảnh khiến nước bạn nhớ đến nước mình, trong đó có cả yếu tố ẩm thực như bát súp Tom Yum, sầu riêng hay thậm chí là xe tuk tuk...”, chị Trang nói.
Chị Trang cho hay: “Trên quan điểm của tôi, bánh mì Việt Nam đã trở thành một món ăn nổi tiếng toàn thế giới, vì thế không có gì phải phản đối nếu hình ảnh này được mang lên bộ trang phục dân tộc. Hơn nữa, theo thông lệ ở Miss Universe, những bộ quốc phục càng hoành tráng về kích thước với những chi tiết trang trí sáng tạo thì càng được đánh giá cao... Thực tế chứng minh hồi năm 2016, Lệ Hằng dự thi với bộ váy Nàng mây. Thiết kế của Thái Trung Tín lấy cảm hứng từ những chiếc đó bắt cá với chất liệu mây, tre... Trang phục được CNN ca ngợi và vào top 4 trong bảng xếp hạng trang phục dân tộc đẹp nhất do Missosology bình chọn".
Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.