Trang phục cho nguyên thủ dự APEC thiếu nét Việt

27/04/2017 10:07 GMT+7

Mẫu trang phục cho nguyên thủ các nước dự APEC 2017 do Bộ VH-TT-DL trình lên Ủy ban APEC bị đánh giá thiếu nét Việt và giống áo Philippines, thậm chí Indonesia.

Sao không là áo dài ?
Chúng ta đã từng chọn áo dài làm trang phục cho APEC 2006 tại VN, chúng ta cũng từng nhiều lần quảng bá văn hóa áo dài. Vậy tại sao phải dùng một trang phục khác như vậy. Nhất là tôi thấy 2 trang phục không giống gì với trang phục Việt. Có người nói nó giống trang phục Indonesia
Bà Thu Hòa, người nghiên cứu và sưu tập văn hóa dân gian
Bộ áo dài truyền thống cùng khăn đóng màu đen đã được ông Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mang theo mặc trong chương trình phỏng vấn tại Paris ngày 26, 27.4 cho vị trí Tổng giám đốc UNESCO. Bộ áo được may dưới sự tư vấn của nhà nghiên cứu cũng là nhà sưu tập trang phục Việt cổ - ông Trịnh Bách.
Trong khi đó, 2 bộ áo làm mẫu cho trang phục nguyên thủ các nước được Bộ VH-TT-DL trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, đều không hề là khăn đóng áo dài. Được chọn từ 5 nhóm thiết kế của 5 nhà thiết kế khác nhau, cả 2 mẫu vừa trình đều mang phom dáng veston.
Mẫu của Công ty Thái Tuấn có chất liệu với hiệu ứng taffeta, nút áo gỗ xà cừ. Mẫu này cũng có kỹ thuật dệt Jacquard như thêu hoa sen nổi bật trên nền vải, tạo điểm nhấn hoa văn chính cho phần thân áo. Mẫu của nhà thiết kế Thu Hà được làm từ tơ tằm truyền thống, do nghệ nhân Nguyễn Trọng Từ dệt, nhuộm. Hoa văn là hoa sen được thực hiện bằng chỉ tơ tằm đặc biệt, nhuộm phù hợp với màu áo.
Điều này gây ngạc nhiên với nhiều người quan tâm. “Chúng ta đã từng chọn áo dài làm trang phục cho APEC 2006 tại VN, chúng ta cũng từng nhiều lần quảng bá văn hóa áo dài. Vậy tại sao phải dùng một trang phục khác như vậy. Nhất là tôi thấy 2 trang phục không giống gì với trang phục Việt. Có người nói nó giống trang phục Indonesia”, bà Thu Hòa - một người nghiên cứu và sưu tập văn hóa dân gian nói.
Mẫu áo của nhà thiết kế Thu Hà Ảnh: Tư liệu Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm
Không nhận ra văn hóa VN
Trong khi đó ông Trịnh Bách cho rằng 2 mẫu áo vừa được trình không gợi cảm hứng văn hóa Việt vì không gợi đến một dạng áo nào của VN cả. Thiết kế hình hoa sen trên áo cũng không đặc trưng VN. “Nói đến biểu tượng hoa sen thì quá nhiều nước xài rồi. Nepal cũng xài, Bali cũng xài, nhiều lắm”, ông Bách nói.
Cũng theo ông Bách, có thể ban tổ chức từ chối áo dài vì một câu chuyện bên lề từ APEC 2006. Khi đó, một lãnh đạo cấp cao nước ngoài đã thắc mắc về trang phục VN đưa ra. “Cái áo do bà Minh Hạnh thiết kế lần trước bị hỏi sao lại giống trường bào Trung Quốc. Chắc vì thế nên người ta tránh áo dài. Nhưng dài ngắn không phải vấn đề. Hàn Quốc làm hanbok thì cũng chả ngắn đâu. Nhật mặc tanaka cũng chả ngắn. Cái chính là mình cứ mặc cảm sợ giống, nhưng lại thiếu suy luận mà chỉ biết suy diễn thôi. Mà thế thì không làm được cái gì cả. Cứ mặc áo dài chứ”, ông Bách nói. “Hai cái áo làm mẫu lần này nhìn vô thì là hai cái áo Tây phương mà cắt rất dở, cắt hộp thế thôi. Nó có thể hơi giống áo của Philippines nhưng nó cũng không có được tính truyền thống của Philippines. Hoàn toàn không nhận ra văn hóa VN ở 2 mẫu áo này”, ông Bách nhận xét.
Thiết kế của Thái Tuấn
Cần được các nhà chuyên môn góp ý
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn cho biết cô nhận lời tham gia trình bày ý tưởng thiết kế hồi tháng 2.2016 và sau đó có khoảng 1 tháng để chuẩn bị. Cô cũng tham gia thuyết trình ý tưởng nhiều lần, tuy nhiên sau đó nhận được thông báo thiết kế của mình không thích hợp. Về lý do không được chọn, Thủy Nguyễn phỏng đoán do mình không thể sản xuất nhanh và nhiều như yêu cầu của ban tổ chức. “Thiết kế của tôi có họa tiết về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Nhưng mỗi chiếc áo chỉ một phần thôi. Khi các nguyên thủ đứng cạnh nhau thì sẽ ghép lại thành cả khu Hoàng thành. Nhưng nếu thời gian có số đo của nguyên thủ quá gấp, lại thêu, thì tôi khó bảo đảm tiến độ”, nhà thiết kế rất nổi tiếng với thiết kế áo dài gấm này chia sẻ.
Nhưng tiến độ lại là chuyện nhỏ với Đỗ Trịnh Hoài Nam. Thiết kế của ông Nam có sử dụng hình ảnh nhận diện VN là chùa Một Cột dát vàng trên cổ áo, hoa văn này được dát vàng 9999 lấy từ công nghệ quỳ vàng của làng nghề Kiêu Kỵ. Bên cạnh đó, mỗi trang phục của từng nguyên thủ lại có yếu tố dân gian, di sản của chính nước đó.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng cũng là người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, cho biết hiện Bộ đã trình cấp có thẩm quyền để phê duyệt mẫu áo APEC, tuy nhiên kết quả chưa được thông qua. “Có thể đồng ý cũng có thể yêu cầu điều chỉnh, vì vậy trang phục vẫn đang ở giai đoạn thẩm định, chưa chính thức. Bộ VH-TT-DL rất mong sự quan tâm, góp ý của các tổ chức, cá nhân có chuyên môn và nhân dân để hoàn thiện”, ông nói.
Còn tiếp tục điều chỉnh
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL), đơn vị trực tiếp tổ chức tìm trang phục cho nguyên thủ trong sự kiện APEC 2017, cho biết ông nhận được ý kiến yêu cầu không trả lời báo chí về việc thiết kế trang phục này. Ông cũng từ chối cung cấp thông tin về các hồ sơ dự thi.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng đồng thời là người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, cho biết không hề có việc Bộ không cho trả lời về việc thiết kế trang phục APEC này do còn phải tiếp tục điều chỉnh trang phục, vì hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. “Chưa thể có thông tin lúc này chứ không phải là không cho trả lời”, ông Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.