Trang Thanh Lan trở lại trong Đêm hội ngộ

21/02/2009 22:16 GMT+7

Thời gian đã làm cô ca sĩ “teen” của những năm 1960 ở Sài Gòn thay đổi với những vết chân chim nơi đuôi mắt. Nhưng tình yêu với âm nhạc thì vẫn thế. Gặp lại Trang Thanh Lan sau 17 năm dài xa xứ, khán giả mới biết chị vẫn khát khao được hát, được diễn biết chừng nào!

Chập chững vào nghề và thành danh

Năm 1968, giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất, gia đình cô bé Nguyễn Lệ Liễu chịu thêm nỗi đau: người cha trụ cột của gia đình lâm bệnh mất. Gánh nặng áo cơm đè lên đôi vai gầy của mẹ, tảo tần nuôi đàn con 9 đứa bằng việc buôn thúng bán bưng. Thương mẹ, Lệ Liễu không còn biết làm gì ngoài chuyện “liều mình” nhảy lên sân khấu biểu diễn. Năm đó cô 16 tuổi. Rồi cũng từ một sự tình cờ, Liễu ghi danh tham dự cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ do nghệ sĩ Tùng Lâm tổ chức tại rạp Quốc Thanh.

Cô ca sĩ lạ hoắc lạ huơ cất giọng hát, không ngờ được khán giả vỗ tay rần trời. Ban giám khảo đã cho Lệ Liễu điểm số 11,75 trên thang điểm 12, đoạt giải nhất. Từ đó, Lệ Liễu chính thức bước vào con đường ca hát với sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của nghệ sĩ Tùng Lâm, người thầy đầu tiên. “Ban đầu chú Tùng Lâm đặt cho tôi nghệ danh là Đoan Trang nhưng thấy không hợp với tính cách quậy phá và nhí nhảnh nên tôi đổi thành Thanh Lan. Nghệ danh này lại trùng với tên của ca sĩ Thanh Lan thời đó nên chú quyết định ghép thêm tên Trang của con gái chú vào thành Trang Thanh Lan”, chị bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của 40 năm trước tại Sài Gòn.

Sau ngày giải phóng miền Nam, như bao nghệ sĩ khác, Trang Thanh Lan cũng gia nhập đoàn nghệ thuật của Nhà nước đi biểu diễn phục vụ đồng bào cả nước. Ca khúc cách mạng đầu tiên Trang Thanh Lan hát là Tự nguyện. Năm 1982, lần đầu tiên chị xuất hiện trên Đài truyền hình TP.HCM với các ca khúc Sợi nhớ sợi thương, Tình yêu trên dòng sông Quan họ, Nhánh lan rừng, Nụ hoa và cây súng... hát cùng chồng là ca sĩ Quang Bình. Thời bao cấp, các nghệ sĩ chỉ được biểu diễn theo quy định của đoàn, không được tự ý chạy show. “Tôi được các anh các chị ở đoàn ưu tiên hoàn cảnh gia đình vừa biểu diễn tại đoàn Bông Sen vừa ở Trung tâm văn hóa Tân Bình.

Thời đó, như thế là niềm vui lớn rồi”. Đất nước đổi mới, những năm 1986 - 1987, Bộ Văn hóa - Thông tin cho biểu diễn lại nhạc tiền chiến. Thế là Trang Thanh Lan tự do mà “vùng vẫy” với hàng loạt ca khúc đóng dấu tên tuổi chị bằng giọng ca “ngọt lịm” đầy âm hưởng dân ca. “Được hát tôi vui lắm, không còn cấm chuyện chạy show nên kinh tế gia đình đỡ khổ hẳn. Có đêm tôi hát đến 4 - 5 tụ điểm nên rất an tâm chuyện kinh tế gia đình”.  

Nỗi buồn xa xứ

Cuộc sống cứ mãi trôi đến một ngày năm 1992 chị quyết định cùng chồng con sang định cư tại bang Minnesota (Mỹ). Được một thời gian ngắn, chị lại dời nhà qua khu Little Sài Gòn để tiện ca hát. Những năm tháng dài nơi đất khách, chị đã “cày” đúng nghĩa của từ này để nuôi dạy 2 con một trai một gái nên người sau lần chia tay chồng.

Ngoài đi hát, chị làm đủ nghề từ bán hàng, bán bảo hiểm và giờ thì “trụ” lại với công việc lấy quảng cáo cho đài truyền hình, phát thanh và phụ trách thêm mục gỡ rối tơ lòng cho cộng đồng người Việt trên kênh truyền hình SBTN. “Ngày xưa, lúc mới qua Mỹ, show ca hát tổ chức nhiều, có lúc mỗi tuần 2 - 3 chương trình. Bây giờ thì ít đi rồi, chỉ lác đác 1 hoặc 2 chương trình thôi. Khán giả trẻ thích ca sĩ từ Việt Nam sang biểu diễn nhiều ca khúc ăn khách trong nước nên đa số nghệ sĩ “cựu trào” bên đó phải sống thêm bằng nghề tay trái”.

Ngoài ca hát, năm 1997 Trang Thanh Lan còn nhảy sang lĩnh vực diễn hài cùng Ái Vân, Hồng Đào, Quang Minh, Chí Tài rồi sau này là Minh Nhí, Việt Hương, Hoài Tâm... và nhận được sự tán thưởng của khán giả qua lối diễn khá duyên. Tự nhận mình “tham lam” nên những gì dính dáng đến nghệ thuật chị đều không chối từ. Chị từng tham gia phim Xa lộ không đèn đóng cùng Thanh Nga, Dũng Thanh Lâm từ trước năm 1975.

“Chẳng hiểu sao từ lúc qua Mỹ đến giờ, tôi vẫn luôn nhớ về quê nhà, nhớ khán giả. Có những chiều mưa thật buồn hay đêm dài ngập trong tuyết lạnh, tôi một mình cô đơn, trống trải, thương nhớ người thân, bạn bè nơi cố hương. Trước lần biểu diễn sau 17 năm xa xứ này, tôi đã có dịp về lại TP.HCM. Vài người bạn mời tôi biểu diễn nhưng rồi nghẹn ngào quá hát không nên lời. Cứ cầm micro là nước mắt chợt muốn tuôn rơi.

Bao nhiêu kỷ niệm, những nhọc nhằn, mất mát trong đời bỗng ào về. Tôi là phụ nữ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn là người yếu đuối. Đã từng qua biết bao nhiêu sân bay nơi xứ lạ nhưng khi đặt chân về đến Tân Sơn Nhất, tôi thấy rất ấm lòng vì đây là quê hương mình, đồng bào mình. Tình cảm đó thật thiêng liêng và đáng trân trọng. Chỉ khi nào bạn sống nơi phương xa mới cảm nhận hết được những gì tôi nói”.

 
Ca sĩ Trang Thanh Lan - Ảnh: Đỗ Tuấn

Và trở lại...

Sau bao năm tháng làm việc, thay chồng nuôi con rồi nuôi cháu nội, Trang Thanh Lan giờ mới quyết định sống với nỗi đam mê của mình. Chị trở về nước hát với khán giả nhà bằng chương trình đầu tiên mang tên Đêm hội ngộ vào đêm nay (22.2) tại sân khấu Trống Đồng (TP.HCM) cùng các nghệ sĩ khách mời như Elvis Phương, Giao Linh, Ngọc Sơn, Chí Tài, Nguyễn Phi Hùng, Thế Anh, Hiền Thục... Chị còn dự kiến tổ chức thêm chương trình Trang Thanh Lan và những chàng trai vào đầu tháng 3.2009 tại sân khấu 126. Chị cho biết sẽ hát hết tất cả những ca khúc một thời làm nên tên tuổi Trang Thanh Lan trong lòng khán giả và diễn một tiểu phẩm hài với Chí Tài mang tên Chuyện tình Lan và Điệp 30 năm sau, hứa hẹn cười nghiêng ngửa.

Thanh Lan cho rằng ca sĩ thời nay có rất nhiều thuận lợi hơn thế hệ trước và khẳng định ngày xưa dù có tiền cũng không thể tự ra đĩa, CD album ca nhạc được vì phải đưa cho bầu show làm hoặc phải qua các hãng sản xuất băng đĩa. Chuyện ca sĩ trẻ hát nhép chị tâm sự thấy sao buồn quá! Chị cho biết thời xưa đi hát, ghi âm trực tiếp nên đĩa ra nghe phát chán, âm thanh đâu hay ho gì, vậy mà người ca sĩ biết thổi hồn vào bản nhạc bằng giọng ca đầy cá tính riêng.

Nghệ sĩ thời chị cũng chẳng hề lo nghĩ đến công nghệ lăng-xê, chỉ hát hết lòng, hết sức, được khán giả thương, ủng hộ là thấy vui lắm rồi. “Ở tuổi này, tôi cảm thấy cuộc đời dành cho mình nhiều may mắn và cũng không ít đắng cay. Trang Thanh Lan từ khán giả mà có thì mãi mãi vẫn thuộc về khán giả. Tôi không mong ước gì hơn vì nhìn lại mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người. Những gì tôi lưu lại với thời gian chính là sự mến mộ của khán giả trong và ngoài nước...”. 

Trang Thanh Lan quê ở Gò Công, Tiền Giang, nhưng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Năm 1968, chị bước vào con đường ca hát. Những ca khúc một thời chị trình diễn được khán giả ưa thích là Đám cưới trên đường quê, Anh vẫn sống, Hai phương trời cách biệt, Tiếng xưa, Thương nhớ người dưng, Lẻ bóng, Sầu tím thiệp hồng, Lâu đài tình ái… Con trai chị, Quốc Anh (33 tuổi), là diễn viên hài trong nhóm V-pop tại hải ngoại. Hiện Trang Thanh Lan đã “lên chức” bà, chăm nom hai cháu nội tròn 1 và 3 tuổi.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.