Trang trại của những người gieo chữ vùng cao

18/05/2007 21:29 GMT+7

Họ đều là những thanh niên còn rất trẻ tình nguyện lên xã vùng cao An Vinh, huyện An Lão (Bình Định) để dạy học. Ở đó, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, ngoài việc gieo chữ cho các em học sinh người dân tộc thiểu số, những giáo viên trẻ đã làm nên một trang trại nho nhỏ và... "xóa đói" ngay tại trường.

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Vượt qua hàng chục cây số đường bê tông dốc khúc khuỷu từ trung tâm huyện An Lão (Bình Định), chúng tôi về trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Đinh Nỉ thuộc xã An Vinh, huyện An Lão. Trước mắt chúng tôi, ngôi trường nằm trong một thung lũng bạt ngàn cây xanh, cạnh con sông Đinh nước trong vắt. Đứng trên bục giảng là những thầy cô giáo còn rất trẻ, hầu hết mới chỉ đôi mươi, nhưng họ đến nơi vùng cao này thấm thoắt đã vài năm. Người ở gần nhất cũng cách trường vài chục cây số, có người ở tít ngoài Hà Tây.

Chỉ có họ và những người dân nơi vùng đất đặc biệt khó khăn này mới hiểu được sự gian nan trong chuyện học hành từ ngày trường PTDTBT Đinh Nỉ mới thành lập vào năm 2000. Đến nay, trường có 14 giáo viên, 10 lớp học với 268 học sinh. Thầy giáo trẻ Trần Văn Trinh nhớ lại: "Năm 2000, mình vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định và muốn lên xã vùng cao này để dạy. Biết chuyện, gia đình ai cũng ngăn cản vì lúc ấy, dân cư trên này thưa thớt, đường xá cách trở được trải bằng đất đỏ và chỉ rộng chưa đầy nửa mét. Mỗi khi mùa mưa đến, dường như không thể đi lại được, mà nếu muốn đi thì vô cùng nguy hiểm. Xa nhà buồn lắm, đôi khi mình đã có ý định muốn bỏ về. Nhưng vì thương học trò và yêu nghề dạy học nên mình đã quyết định ở lại...".

Cùng nhau nấu ăn. Ảnh: Cao Nguyên

Học sinh ở trường PTDTBT Đinh Nỉ đều là người dân tộc H'rê. Vì vậy, sự tiếp thu của học sinh ở trên lớp có phần hạn chế, khó khăn nhất là ngôn ngữ. Điều đó tưởng như sẽ làm nản chí những giáo viên trẻ trong thời gian đầu đứng lớp. Nhưng không, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình cảm của người dân địa phương đã "níu chân" các thầy cô giáo trẻ gắn bó mãi ở vùng cao An Lão. Cô giáo trẻ Trần Thị Cúc kể tiếp: "Hồi đó, cái gì ở trên vùng núi này cũng khó khăn. Nếu không có những người bạn trẻ và những em học trò thân thương thì tụi mình khó mà "trụ" lại lâu.

Mỗi khi đêm xuống, cái lạnh lẽo của miền núi lại ùa về, có đứa nhớ nhà day dứt. Những khi ấy, tụi mình lại quây quần bên nhau cất tiếng hát để quên đi những khó khăn...". Và chính những đêm "hát cho nhau nghe" đó vô tình làm nhiều thầy cô giáo trở thành những "giọng ca vàng" ở huyện vùng cao này. Có lần chúng tôi được đi công tác ở An Lão đúng lúc một đoàn ca nhạc về đây biểu diễn. Kết thúc buổi diễn, đa số người dân đều chung một nhận xét: họ hát thua... thầy cô trường Đinh Nỉ. Vì thế chuyện học sinh trường này luôn giành nhiều giải về ca hát của huyện là chuyện hết sức bình thường.

"Xóa đói" ngay tại trường

Ngoài việc đem cái chữ đến với bà con vùng sâu vùng xa, giáo viên trường PTDTBT Đinh Nỉ còn phát động những ngày lao động công ích, mà hiệu quả của nó chẳng khác gì một mô hình trang trại. Cô giáo Phan Thị Hằng hớn hở khoe: "Trường mình vừa bán được hơn 1 ha cây keo, thu được  hơn 34 triệu đồng. Giờ còn chờ thu hoạch cây mì. Số tiền thu được, trường sẽ hỗ trợ vào cho việc sinh hoạt hằng ngày của thầy cô và các em học sinh. Một ít sung vào quỹ của Đoàn trường để dùng khi cần đến".

Các thầy cô dẫn chúng tôi đi xem những vườn rau cải, rau muống, giàn mướp... rất tươi tốt nằm xung quanh khuôn viên của trường. Bên cạnh những vườn cây là một ao cá rộng được đào để nuôi cá chép, cá rô... Thầy Tạ Thành Long, Hiệu phó nhà trường cho biết: "Đó là tất cả công sức của thầy cô, học sinh và của phụ huynh làm nên. Cách đây vài năm, mọi người trong trường bàn chuyện đào ao cá, trồng cây dài ngày và rau quả để phục vụ cuộc sống của các thầy cô và học sinh ngay tại trường. Thế là mỗi giáo viên trích mỗi người một tháng lương để thực hiện.

Sau buổi học, các thầy giáo trẻ lại xuống ao bắt cá

Ban đầu chỉ trồng rất ít, nhưng đến nay đã trồng được hơn 2 ha với hơn 4.000 gốc keo, mì, còn rau, quả, cá thì ăn hoài không hết". Bởi vậy, ngôi trường bán trú này vô tình "biến" thành trường... nội trú. Những năm trước, đa phần các em học sinh đều ở lại vì đường đi rất khó. Cứ lâu lâu, người dân nơi đây lại thấy giáo viên và học sinh cùng nhau cuốc xới để vun đắp cho rừng cây, vườn rau của mình. Chính cách làm này đã giảm bớt gánh nặng cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc với đời sống vẫn còn khá nghèo.

Trước cách làm hiệu quả như vậy, hầu hết phụ huynh đều đồng tình và sẵn sàng phụ giúp việc sản xuất của thầy trò trường Đinh Nỉ. Ban lãnh đạo trường đưa chúng tôi xem một giấy mời họp phụ huynh thuộc dạng... "độc nhất vô nhị", có đoạn: Lưu ý: khi đi nhớ mang theo... cuốc, chén, đũa. Em Đinh Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 7A3 nói: "Nhà em ở cách trường hơn 10 km nên em đăng ký ở lại trường, mỗi tuần về thăm nhà một lần. Ngoài chuyện học hành, việc ăn uống sướng lắm.

Thầy cô ở trường chăm lo cho chúng em rất tận tình". Nói xong, Như chỉ tay về phía những vườn rau xanh mượt mà thầy trò đã dày công vun đắp. Bằng những thành tích đã đạt được, thầy giáo trẻ Trần Văn Trinh đã được Huyện đoàn An Lão giới thiệu là thanh niên tiêu biểu của huyện tham dự Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định lần thứ XI diễn ra vào cuối tháng 5.2007. Trước khi chia tay, chúng tôi không quên hỏi: "Thế ước mơ của các bạn là gì?". Tất cả họ đều có một ước mơ thật bình dị là muốn gắn bó mãi ở ngôi trường nằm trong thung lũng ở huyện vùng cao An Lão.

                            Cao Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.