Đến nay, ông đã là chủ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với trang trại rộng đến 32 ha, doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Mượn “sổ đỏ” thế chấp ngân hàng vay vốn
Sau khi lấy tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, năm 1984 ông Lê Văn Cường từ Huế vào làm việc tại Phân viện Sinh học Đà Lạt (nay là Viện Sinh học Tây nguyên). Năm 1997, ông thuê đất để sản xuất rau và giống hoa cúc; do thiếu vốn phải mượn "sổ đỏ" của người thân thế chấp ngân hàng vay tiền để thuê 4 sào đất lập cơ sở nhân giống rau hoa bán cho nông dân. Từ đó, ông tích lũy được vốn, mua thêm đất sản xuất cây giống các loại. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ mới gieo hạt giống trên vỉ xốp đựng giá thể rất tiện lợi, đồng thời tiên phong ứng dụng đèn 3U vào việc nhân giống và canh tác hoa cúc thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2008, ông Cường chuyển toàn bộ diện tích đất sang canh tác rau theo hướng công nghệ cao. Ông mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới, bón phân tự động. Năm 2009, ông thành lập Công ty TNHH Đà Lạt GAP (Đà Lạt GAP), cũng là năm được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) chứng nhận sản phẩm rau sạch đạt tiêu chuẩn của hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Tháng 4.2009, sản phẩm rau của Đà Lạt GAP được chứng nhận đạt chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn châu Âu), nhờ đó có thể xuất khẩu qua các nước.
|
|
Chinh phục thị trường khó tính
Ông Cường cho biết, để xuất khẩu được ớt ngọt vào thị trường Nhật không dễ, trước khi nhập khẩu đối tác Nhật qua thị sát, kiểm tra quy trình sản xuất của Đà Lạt GAP. Khi thấy công ty đang ứng dụng phương pháp trồng ớt trên giá thể, bón phân, tưới nước được cài đặt tự động qua hệ thống Fertigation (Irrigation Head Stock), phía Nhật mới đồng ý. Ông giải thích: “Hệ thống này kiểm soát lượng phân bón và độ pH của nước tưới cho từng giai đoạn của cây trồng. “Chi phí đầu tư ban đầu hơi cao, nhưng đổi lại phương pháp canh tác này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, tiết kiệm được 30% chi phí phân bón, 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng hơn là thu được 100 tấn ớt/ha/năm cũng như đạt chất lượng xuất khẩu qua Nhật - thị trường khó tính nhất thế giới”. Không chỉ xuất khẩu ớt ngọt, một giai đoạn dài ông Cường còn xuất khẩu rau thơm các loại qua Nga, mỗi tuần đều đặn xuất khẩu trên 2 tấn bằng máy bay với giá 2 USD/kg.
Vài năm gần đây, Đà Lạt GAP đầu tư thiết bị, công nghệ trồng rau thủy canh với các mặt hàng xà lách và rau bó xôi. Ông Cường cho biết đã xuất khẩu qua Nhật được 13.000 tấn rau bó xôi và phía Nhật đang yêu cầu gia tăng sản lượng trong năm tới. Với phương pháp thủy canh, cây trồng không bị dịch bệnh tuyến trùng, đồng thời ông dùng tấm keo dính màu vàng nhập từ Hà Lan giăng để bắt côn trùng nên không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất rau thủy canh cao gấp 6 lần phương pháp canh tác truyền thống trên cùng diện tích. Điều đáng ghi nhận là tất cả sản phẩm rau sạch của Đà Lạt GAP được tiêu thụ qua hợp đồng với giá ổn định cho các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… và xuất khẩu. Giá bán trung bình từ 20.000 - 45.000 đồng/kg, cá biệt có loại 80.000 đồng/kg, được các nhà hàng 5 sao đặt mua phục vụ khách nước ngoài. Rau đạt chuẩn xuất khẩu giá bán cao từ 1,2 - 1,5 lần so với thị trường nội địa. Bên cạnh các loại rau cao cấp, Đà Lạt GAP đang phát triển mô hình trồng dâu tây trên giá thể trong nhà kính, nhờ đó sản phẩm hoàn toàn sạch, có thể hái ăn ngay tại vườn, giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg.
Theo ông Cường, muốn nâng cao giá trị nông sản, phải đầu tư nhà kính và hệ thống lập trình tự động chăm sóc cho các loại cây trồng đạt chuẩn quốc tế. “Chỉ có công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch mới mang lại giá trị nông sản cao”, ông Cường nói.
Bình luận (0)