Tránh bị lừa khi học chương trình liên kết

07/09/2011 19:33 GMT+7

Do không nắm bắt thông tin, nhiều người đã “tiền mất tật mang” khi theo học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Mất của, tốn thời gian

Các chuyên gia giáo dục nhận định, hiện nay nhiều đơn vị liên kết đào tạo có khuynh hướng thổi phồng thông tin, chiêu dụ người học vì mục đích doanh thu. Trong khi đó, các vấn đề về chất lượng, bằng cấp lại… bỏ ngỏ.

Trong khoảng 3 năm gần đây, xảy ra nhiều vụ tiêu cực trong  các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Khi ấy, phần thiệt luôn thuộc về người học.

 
Phụ huynh, học viên đến đòi chứng chỉ tại Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế - Aptech (Công ty cổ phần Công nghệ đào tạo tin học viễn thông Trí Việt) vào đầu tháng 7.2011 - Ảnh: Minh Luân

Cách đây không lâu, gần 300 sinh viên đã phải dở khóc dở mếu khi theo học chương trình liên kết giữa trường quốc tế Mỹ Việt (thuộc Công ty cổ phần Quốc tế Mỹ Việt - AVIS, trụ sở ở Q.Tân Bình, TP.HCM) với một trường CĐ của nước ngoài. Sau hơn một năm theo học (đóng phí 1.000 USD), SV ngỡ ngàng khi chủ cũ là ông Lê Công Đức sang tay họ cho đơn vị khác. Đến khoảng giữa năm 2010, trường này tiếp tục thông báo, họ đã liên kết với một trường ĐH của Mỹ, học phí cho cả khóa học là 5.600 USD. Nếu những SV cũ tiếp tục học, chỉ đóng thêm 4.000 USD. Sau đó, SV thêm một lần bất ngờ vì trường này không có giấy phép liên kết đào tạo với nước ngoài!

Hàng chục học viên theo học chương trình liên kết của Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế (trực thuộc Công ty cổ phần Công nghệ đào tạo tin học viễn thông Trí Việt, Q.10, TP.HCM) với Aptech Ấn Độ, tốt nghiệp gần nửa năm mới biết trung tâm này không có giấy phép liên kết đào tạo. Cuối cùng các học viên chỉ nhận được chứng chỉ chứ không phải bằng cấp như đã hứa. Đáng nói, những học viên này mất đến 2.000 USD cho chương trình học 2 năm.

Thủ thuật phát hiện chương trình liên kết “ma”

Phần đông người học bị các chương trình này cám dỗ chỉ vì do quảng cáo “bằng cấp quốc tế, lương tính bằng USD”… Ngoài ra, sinh viên ít khi để ý đến tính pháp lý của chương trình liên kết. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng phòng Giáo dục dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: “Các đơn vị liên kết thường “nâng cấp” thông tin, có 1 nói 10, có 10 nói 100. Phụ huynh, học viên thì cứ tin vào những thông tin đó. Để tránh trường hợp bị lừa, người học cần quan tâm đến vấn đề pháp lý của chương trình. Ví dụ như, đối với các trung tâm, trường nghề địa phương có thể do UBND thành lập hoặc cấp phép thành lập, sau đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép đào tạo nghề. Khi muốn học thì phải xem đơn vị đó có giấy phép đào tạo hay không. Mặt khác, người học cần tìm hiểu về ký kết đào tạo của các đơn vị liên kết, và chương trình liên kết đó có được cho phép hay không. Nếu trình được các giấy tờ này, chứng tỏ chương trình đó là hợp pháp”.

 Đối với các trường ĐH-CĐ có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, người học nên căn cứ vào danh mục các trường được Bộ GD-ĐT công bố. Bà Lê Thị Thanh Thu, Hiệu phó trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Nếu trường nào không có trong danh mục thì cần đặt nghi vấn ngay. Bởi vì, khi cho phép một trường nào đó thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài,  Bộ GD-ĐT thường xét duyệt rất kỹ lưỡng. Sau khi tìm hiểu các thông tin này, người học nếu quan tâm về chất lượng chương trình thì có thể tìm hiểu trường nước ngoài mà mình định theo học các chương trình liên kết. Người học có thể tìm hiểu thêm về chất lượng đào tạo, chương trình của trường nước ngoài có được kiểm định không. Thông thường các trường ở châu u, Mỹ, Úc… thường có các tổ chức kiểm định về chất lượng đào tạo”.

Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.