Tránh cách ly phòng Covid-19, xử lý hình sự được không?

Thái Sơn
Thái Sơn
25/03/2020 11:02 GMT+7

Trong thời điểm nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 , các hành vi bất hợp tác, né tránh cách ly, làm lây bệnh cho người khác sẽ bị cơ quan chức năng xử lý hành chính ở mức cao nhất hoặc xử lý hình sự.

Liên quan đến các trường hợp chống đối, trốn cách ly khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã diễn ra trong thời gian vừa qua, bà Lê Thị Vân Anh, vụ Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết pháp luật hiện hành có đủ khung chế tài để xử lý.
Theo quy định tại điều 8 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về 7 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" (khoản 7) “thì những trường hợp cố tình không tuân thủ các yêu cầu cách ly hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bị coi là vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý về hành chính hoặc hình sự", bà Vân Anh nói.

Thêm 11 ca mới, Việt Nam có 132 bệnh nhân nhiễm virus corona

Bà Lê Thị Vân Anh cho hay, việc xử lý vi phạm hành chính sẽ căn cứ theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (điều 10). Theo đó, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Theo quy định tại điều 3 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29.1.2020 của Bộ Y tế thì bệnh viêm đường hô hấp cấp gây dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.

Có thể bị phạt tù tới 12 năm

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người tại điều 240, theo đó, khoản 1 điều luật này liệt kê 3 nhóm hành vi cấu thành tội, trong đó có nội dung "làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người". Theo bà Lê Thị Vân Anh, nhóm hành vi "làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, pháp luật hình sự chưa có quy định cụ thể.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này của bộ luật Hình sự cần đặt trong mối quan hệ với quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, hành vi cố ý trốn tránh yêu cầu cách ly hoặc không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh này cho người khác thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người với tình tiết “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, với hình phạt từ 50 - 200 triệu đồng, phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trường hợp hành vi vi phạm này dẫn đến hậu quả là phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, hoặc làm chết 1 người thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả là phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm.
Trong trường hợp cố tình không thực hiện yêu cầu cách ly hoặc trốn cách ly khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nếu chưa gây hậu quả là làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất, vì đây là thời điểm nguy hiểm của dịch.
"Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm minh để răn đe”, bà Lê Thị Vân Anh nêu quan điểm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.