Tranh cãi chuyện làm đẹp trên mạng xã hội, cả hai đều bị thiệt

15/12/2023 11:40 GMT+7

Một số người sử dụng mạng xã hội để đăng bài “bóc phốt” lên án một cá nhân nào đó. Tuy nhiên, không phải bài đăng nào cũng nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng mạng, đôi khi chính chủ bị “gậy ông đập lưng ông”.

"Hại người" thành ra "hại mình"

Những ngày gần đây câu chuyện một nữ chuyên viên trang điểm tên L.A.P “bóc phốt" khách hàng E.N đến trang điểm đi tiệc nhưng về làm cô dâu. Bài đăng đã làm “dậy sóng" cộng đồng mạng, chẳng biết ai đúng, ai sai nhưng cả người đăng bài và cá nhân bị “phốt” đều chịu thiệt hại nặng nề. Một số người cho rằng cô chuyên viên trang điểm đã thiếu tinh tế khi đăng bài "bóc phốt" chuyện không đáng, nên giải quyết nội bộ. 

Số khác cho rằng vị khách kia nên chia sẻ thẳng thắn cho chuyên viên trang điểm để tìm phương án ổn thỏa nhất. Việc hình ảnh trong tiệc báo hỷ bị lan truyền trên mạng xã hội chắc chắn gây ra phiền phức không nhỏ cho E.N.

‘Bóc phốt’ người khác trên mạng xã hội con chừng ‘gậy ông đập lưng ông’? - Ảnh 1.

Bài phốt do nữ chuyên viên trang điểm đăng tải (phải) và phần đáp trả của nhân vật được nhắc đến (trái)

CHỤP MÀN HÌNH

Có kinh nghiệm làm chuyên viên trang điểm được 5 năm,Trịnh Thị Ngọc Lan (28 tuổi), làm việc tại 38 Trần Việt Châu, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, cho biết: “Phương châm làm nghề của mình là không bao giờ “bóc phốt” khách dù người ta có làm mình phiền lòng thì cũng chỉ nên chia sẻ nội bộ. Trừ khi người ta quỵt tiền hay vu khống cho mình thì mới nên làm như vậy. Trong nghề ai cũng sợ cô dâu giả làm khách đi tiệc, chuyện này cũng thường xảy ra nhưng không ai chọn cách giải quyết ồn ào như vậy. Trường hợp này cả hai bên đều sai nhưng lỗi phần nhiều ở người “bóc phốt”. Chuyện đã lỡ thì chia sẻ với nhau chứ đăng ảnh người ta lên như thế thì không nên, tuy là đồng nghiệp nhưng mình không bênh nổi”.

‘Bóc phốt’ người khác trên mạng xã hội con chừng ‘gậy ông đập lưng ông’? - Ảnh 2.

Những tưởng được đồng cảm khi "bóc phốt" khách hàng, nữ chuyên viên trang điểm L.A.P lại bị "gậy ông đập lưng ông"

CHỤP MÀN HÌNH

Có kinh nghiệm 6 năm làm chuyên viên trang điểm Hồ Linh Tâm (26 tuổi), Q.Bình Chánh, TP.HCM, cho biết người thợ trang điểm trên đang có cảm giác tức tối, “sân si” và thiếu kiểm soát. Tâm cho biết câu chuyện này không đáng để đăng lên mạng xã hội, gây ồn ào, tạo sự chú ý.

“Người ta đến trang điểm đi tiệc, trả tiền đầy đủ còn sử dụng với mục đích gì thì là quyền của họ. Tuy nhiên, cái nào cũng có giá của nó, sở dĩ trang điểm cưới và đi tiệc có mức giá khác nhau là vì chất lượng mỹ phẩm, sự tỉ mỉ của người thợ. Thường lớp nền trang điểm cô dâu sẽ được đánh rất kỷ, sử dụng mỹ phẩm đắt tiền hơn để giữ độ bền trong suốt buổi lễ nhiều hoạt động, thậm chí là khóc. Nếu cô dâu chọn dịch vụ trang điểm đi tiệc thì vẫn được, tuy nhiên sẽ nhận hậu quả là lớp trang điểm nhạt nhòa hay không giữ được đến cuối giờ”, Tâm cho biết.

Tâm nhấn mạnh hành vi “bóc phốt” khách hàng trong trường hợp trên không hợp lý mà còn gây phản ứng ngược cho chuyên viên trang điểm kia. “Nếu cô dâu có ý định sử dụng dịch vụ trang điểm dành cho đi tiệc thì cứ mạnh dạn chia sẻ với thợ. Người làm nghề như mình luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng chứ không có gì là căng thẳng”, Tâm nói

Chị L.T.H.A (32 tuổi), làm nghề trang điểm tại Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, cho biết: “Hành động “bóc phốt” khách của cô chuyên viên trang điểm kia là tự đạp đổ chén cơm của mình. Người ta đến làm dịch vụ, trả tiền hẳn hoi thì không có lý do gì bức xúc. Hơn nữa việc tự ý lấy hình ảnh người khác rồi đăng đàn “bóc phốt”, không bị kiện đã là may mắn”.

Đừng ngộ nhận quyền tự do ngôn luận để phát ngôn bừa bãi

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty luật 360 (TP.HCM), cho biết chúng ta cần nhìn nhận về trào lưu “bóc phốt” qua mạng xã hội hiện nay bên cạnh mặt tiêu cực thì nó vẫn có mặt tích cực. Điển hình như “bóc phốt” tệ nạn xã hội, gian dối lừa đảo, hoặc các hành vi phạm pháp… để mọi người phòng ngừa cũng như cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết. 

“Nói thế nhưng tôi cũng không có ý cổ xúy cho việc dùng mạng xã hội dưới hình thức “bóc phốt”. Thay vào đó hãy thực hiện việc gửi đơn thư tố cáo những vi phạm pháp luật của các cá nhân đến cơ quan chức năng để được giải quyết theo thẩm quyền. Bởi vì quá trình “bóc phốt” dưới nhiều hình thức như bài viết, livestream... dễ dẫn đến những phát ngôn khiếm nhã, phản cảm do thiếu kiểm soát. Do đó chúng ta cần cẩn trọng vấn đề này để tránh vướng vào vòng lao lý”, luật sư Đức nói.

Luật sư Đức cho biết thêm trong khuôn khổ pháp luật quy định những ai lợi dụng hay ngộ nhận quyền tự do ngôn luận qua các nền tảng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, dùng ngôn từ phản cảm, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây nhiễu loạn thông tin làm bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội... đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.