Tranh cãi pháp lý trong vụ tiêu diệt Awlaki

01/10/2011 11:39 GMT+7

(TNO) Cái chết của giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Anwar al-Awlaki, một công dân Mỹ bị máy bay không người lái của chính nước Mỹ tiêu diệt hôm 30.9, làm dấy lên cuộc tranh cãi về chủ nghĩa khủng bố, các quyền tự do dân sự và tính hợp pháp.

>> New York đặt trong tình trạng báo động an ninh
>> Giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Awlaki bị tiêu diệt

Với chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Awlaki được xem là đứng về phía kẻ thù trong thời chiến, chuyển từ việc tuyên truyền sang vai trò hành động trong các âm mưu chống lại nước Mỹ cùng với al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập.

Theo tờ New York Times, vào đầu năm ngoái, các quan chức Mỹ đã lặng lẽ đưa Awlaki vào danh sách mục tiêu tìm diệt như các thủ lĩnh al-Qaeda khác. Theo Reuters, Awlaki, người sống ở Virgina trước khi rời nước Mỹ không lâu sau vụ khủng bố 11.9.2001, là công dân Mỹ đầu tiên được Nhà Trắng ủy nhiệm cho các cơ quan của nước này tiêu diệt kể từ khi al-Qaeda tấn công New York và Washington cách đây một thập kỷ.

Tuy nhiên, một số các nhà hoạt động về quyền tự do dân sự và luật sư Hồi giáo người Mỹ đã đặt câu hỏi làm cách nào chính phủ có thể tước đi mạng sống của một công dân Mỹ dựa trên những thông tin tình báo bí mật mà không qua xét xử. Những người này nói việc tiêu diệt Awlaki chẳng khác nào hành động xử tử ngay tức khắc mà không trải qua các thủ tục pháp lý được bảo đảm bởi Hiến pháp.

Jameel Jaffer, Phó giám đốc pháp lý của Liên minh các quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU), phát biểu với Reuters: “Như chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, đây là một chương trình, theo đó công dân Mỹ ở xa chiến trường có thể bị chính phủ của mình xử tử mà không theo các thủ tục tư pháp và những tiêu chuẩn căn bản trong khi các bằng chứng thì được giữ bí mật với cả công chúng lẫn tòa án”.

Vào năm ngoái, ACLU và cha của Awlaki, Nasser al-Awlaki, một cựu bộ trưởng văn hóa Yemen, đã thất bại khi khởi kiện ra tòa chương trình bắt sống hoặc tiêu diệt công dân Mỹ gia nhập các nhóm quân sự hải ngoại. Một thẩm phán liên bang đã từ chối vụ kiện với lưu ý rằng Awlaki chẳng màng đến việc đòi hỏi quyền lợi trong một hệ thống tư pháp Mỹ mà người này khinh miệt.

Robert M. Chesney, một giáo sư luật tại Đại học Texas chuyên về luật an ninh quốc gia, nói ông tin rằng việc tiêu diệt Awlaki là hợp pháp. Tuy nhiên, ông nói còn nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia luật và các chuyên gia về quyền tự do dân sự chống đối mạnh mẽ việc đưa công dân Mỹ trở thành mục tiêu tiêu diệt.


 Chỉ thị bí mật của ông Obama trong vụ tiêu diệt Awlaki gây nhiều tranh cãi - Ảnh: AFP

Theo tờ New York Times, lập luận của chính quyền Mỹ trong vụ Awlaki tập trung trong ba điểm. Thứ nhất, Awlaki mang lại mối đe dọa thấy rõ với mạng sống của người Mỹ, từng tham gia vào âm mưu đánh bom một chiếc máy bay chở khách bay đến Detroit vào năm 2009. Thứ hai, Awlaki chiến đấu bên cạnh kẻ thù trong cuộc xung đột vũ trang với al-Qaeda. Và cuối cùng, trong tình trạng hỗn loạn ở Yemen, việc bắt giữ Awlaki là không khả thi.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nhắc lại Tu chính án số 5 vốn tuyên bố rằng không ai “bị tước đi sinh mạng, quyền tự do hoặc tài sản mà không trải qua các trình tự luật pháp”. Trong những tình huống bình thường, cần có một phiên tòa và bản án trước khi nhà chức trách có thể thực hiện việc xử tử.

“Câu hỏi triệu đô là có phải việc tiêu diệt Awlaki đồng nghĩa với việc chính phủ có thể giết bất kỳ người Mỹ tại mọi thời điểm nếu họ khẳng định có được thông tin tình báo chứng tỏ người đó là kẻ khủng bố?”, giáo sư Chesney nói, “Câu trả lời là không, tôi không nghĩ nó thể hiện điều đó”.

Cuộc tranh luận phức tạp bởi thực tế là những tiền lệ trước đây chỉ liên quan đến việc bắt giam những người Mỹ đứng về phía kẻ thù trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 chứ không phải tiêu diệt những người Mỹ trong một cuộc chiến tranh không quy ước chống lại khủng bố.

“Điều phức tạp ở đây là có nhiều người không chấp nhận đây là một cuộc chiến tranh”, ông Chesney nói. “Tôi không nghĩ trước đây từng có một trường hợp giống như thế này”.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.