(TNO) Danh sách 10 chính quyền hoạt động hiệu quả nhất thế giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang gây tranh cãi vì bầu chọn nhiều chính quyền thường xuyên đối mặt với sự chỉ trích trong và ngoài nước.
Công nhân ở Qatar được cho đang bị bóc lột, nhưng chính phủ nước này vẫn xếp nhất thế giới về hiệu quả hoạt động của chính phủ? - Ảnh: Reuters
|
Trong danh sách chính phủ hoạt động hiệu quả nhất thế giới, WEF chọn Qatar là nước đứng đầu, xếp ngay trên Singapore.
Theo WEF, họ đã đưa kết quả này dựa trên dữ liệu về Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (GCR) gần nhất. Sau đó, WEF cho biết đã phân tích những tiêu chí như chi tiêu lãng phí, gánh nặng về quy định kinh doanh và tính minh bạch của chính sách để tính toán hiệu quả tổng thể của bộ máy chính quyền ở các nơi.
Tuy vậy, danh sách của WEF lại đang gây ra nhiều tranh cãi.
"Qatar là một chế độ chuyên chế, nơi phụ nữ bị phân biệt đối xử, lao động nhập cư bị bóc lột và tự do ngôn luận bị kiểm soát. Tuy nhiên, theo WEF, Qatar là mô hình của một chính phủ hiệu quả", tờ Independent (Anh) nhận xét trong bài viết ngày 15.7.
Quốc vương Qatar, ông Tamim bin Hamad al-Thani lên nắm quyền vào năm 2013. Báo cáo gần đây của Tổ chức Ân xá quốc tế nói rằng lao động nhập cư vẫn thường xuyên bị "bóc lột và lạm dụng", trong khi phụ nữ phải đối mặt với "nạn phân biệt đối xử và bạo lực. "Tự do ngôn luận vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và báo chí thường xuyên thực hiện việc tự kiểm duyệt", Independent trích báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cho hay. Ngoài ra, Qatar đang liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào FIFA xung quanh quyền đăng cai World Cup 2022 của Qatar.
"Tôi không biết những gì họ đo lường, nhưng không lý nào họ đưa ra một kết luận rằng Qatar là chính quyền hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới. Tôi không quan tâm phương pháp nghiên cứu của họ vững vàng tới đâu, hầu hết những người làm việc tại Qatar sẽ không công nhận kết quả của nghiên cứu này", Independent dẫn nhận định của tiến sĩ David Roberts, chuyên gia về quan hệ quốc tế và an ninh tại vùng Vịnh, thuộc Đại học Hoàng gia London và đã sống ở Qatar trong hơn bốn năm.
Ngoài Qatar, việc chính quyền Hồng Kông xếp thứ tư trong danh sách "hoạt động hiệu quả nhất" cũng gây tranh cãi. Chính quyền Hồng Kông đã vấp phải những chỉ trích từ dân chúng, đỉnh điểm là cuộc biểu tình lớn trong năm 2014 liên quan tới cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2017.
Rwanda, một quốc gia châu Phi, xếp thứ 7 trong danh sách này. WEF lý giải rằng chính phủ Rwanda được đánh giá cao vì chi tiêu không phung phí.
WEF là tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, chuyên nghiên cứu về kinh tế, chính trị của các quốc gia.
10 chính quyền hoạt động hiệu quả nhất thế giới, theo xếp hạng của WEF:
1. Qatar
2. Singapore
3. Phần Lan
4. Lãnh thổ Hồng Kông
5. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)
6. New Zealand
7. Rwanda
8. Malaysia
9. Thụy Sĩ
10. Luxembourg
|
Bình luận (0)