Báo South China Morning Post trích nội dung kế hoạch cho hay, bắt đầu từ năm 2012, khoảng 30-60 trẻ em được chọn ở mỗi huyện sẽ học cách hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Chương trình diễn ra trong vòng 100 ngày bằng những lời dạy của các nhà hiền triết Trung Quốc, các câu chuyện và trò chơi. Nếu qua được vòng này, các em sẽ học tiếp các bài học đạo đức trong 3 năm để được đánh giá là “đứa con hiếu thảo Trung Quốc”. Tuy nhiên, kế hoạch không đưa ra những tiêu chí về một đứa con hiếu thảo.
|
Theo China Daily, sau khi được công bố, kế hoạch trên lập tức gây ra sự tranh luận gay gắt trong dư luận. “Tôi đã đăng ký chương trình này cho đứa con trai 6 tuổi vì tôi cho rằng trẻ con cần nhận ra những khó nhọc mà cha mẹ chịu đựng để nuôi con khôn lớn và phải trở thành người có trách nhiệm với gia đình của chúng”, một bà mẹ 34 tuổi chia sẻ. Trong khi đó, một phụ nữ 27 tuổi có đứa con gái 2 tuổi nói: “Tôi không muốn con mình là một robot và làm mọi thứ tôi bảo. Chẳng có tác dụng gì khi đăng ký những chương trình như thế nếu chúng quá chú trọng quyền làm cha mẹ, có thể cản trở trẻ suy nghĩ độc lập”. Còn Phó viện trưởng của Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 tại Trung Quốc nhận định: “Chẳng có ích gì khi dạy trẻ em những bài học đạo đức nếu chúng không có cơ hội thực hành trong cuộc sống”. Ông Hùng khuyên các bậc phụ huynh khuyến khích con trẻ phụ làm công việc nhà để dạy chúng về sự chia sẻ trách nhiệm gia đình, thay vì chỉ quan tâm tới việc con có đạt điểm số cao trong các bài kiểm hay không.
Văn Khoa
Bình luận (0)